20 tháng 5, 2015

Điểm tựa trên bờ, niềm tin trên biển

Có ở trên dải đất miền Trung đầy nắng gió, dư thừa mưa bão, luôn đối diện với hiểm nguy mỗi khi ra khơi mưu sinh, mới cảm nhận hết được mối gắn kết keo sơn giữa tình quân dân. Nếu như lực lượng hải quân luôn tạo cho ngư dân niềm tin khi buông lưới, thả câu trên biển thì lực lượng biên phòng lại là điểm tựa vững chắc và bình yên phía bờ.

Giữa biển xa, hải quân cần là có
Gặp lại chủ tàu cá QNg 96156 TS, ông Dương Văn Nam, xã An Hải (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), để nghe những tâm sự chất chứa đầy ắp lời tri ân của ông và các ngư dân đối với các chiến sĩ - bác sĩ trên tàu Bệnh viện (BV) 561 của Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4 (Cam Ranh, Khánh Hòa) khi được tiếp cứu vào đầu năm 2015, lúc tàu cá của ông đang đánh bắt ở khu vực đảo Thuyền Chài (quần đảo Trường Sa) thì bị nạn. Đó là một ngày giữa tháng 1, vùng biển Trường Sa đang yên ắng bỗng dưng nổi dông, gió mạnh cùng sóng lớn xuất hiện nên không kịp trở tay. 13 ngư dân trên tàu đang khai thác hải sâm hoảng loạn, chới với giữa biển khơi. Thuyền trưởng tàu QNg 96156 TS tìm mọi cách neo đậu, ra tín hiệu cứu nạn với mong muốn được các tàu bạn trong cùng ngư trường giúp đỡ trước khi trời tối. Những nỗ lực kêu cứu của họ được tàu BV 561 lên tiếng, tiếp cận trợ giúp.
Sau những giờ phút căng thẳng vật lộn với gió và sóng lớn, tàu BV 561 đã giúp đưa tàu cá QNg 96156 TS công suất 450 CV vào nơi neo đậu an toàn. Các y, bác sĩ trên tàu BV 561 đã chăm sóc tận tình, cấp thêm thuốc chữa bệnh và nhanh chóng hồi phục sức khỏe cho các ngư dân. Đồng thời, hỗ trợ ngư dân 50kg gạo, một số rau, dầu ăn và nước sạch để ngư dân có thể tiếp tục vươn khơi trong mùa biển động. Ngư dân Nguyễn Văn Hội (32 tuổi) đi trên tàu cá cho biết, tàu ra khơi từ giữa tháng 12-2014, đã lênh đênh trên biển một tháng, hết gạo, lương thực và nước uống, nhiều thuyền viên trên tàu bị ốm. Sau khi được tàu 561 tiếp cứu, do chưa khai thác được lượng thủy sản để bù chi phí cho chuyến đi biển nên tàu vẫn cố nán lại đánh bắt nhằm bù lỗ. Ban ngày đánh bắt, đến tối lại quay về vị trí của tàu BV 561 để neo đậu.
Từ đảo Lý Sơn, ghé ngang huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) vào những ngày giữa tháng này. Trời chiều nhá nhem, trong căn nhà mới xây dựng khang trang tại xã Bình Minh, xung quanh là những trảng cát trắng đến nhức mắt, chỉ lác đác vài cây dương xanh không đủ làm dịu mát đi cái nắng như thiêu đốt, ông Nguyễn Văn Cứ tấm tắc rằng nếu không có tàu của lực lượng Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 3 (đóng tại Đà Nẵng) thì không biết hôm nay có còn đang ngồi trong căn nhà của mình được không nữa. “Trời chập tối, 32 anh em vừa ăn cơm xong chuẩn bị đồ câu xuống thúng tỏa đi các hướng để hành nghề thì bất ngờ tàu hỏng máy. Nguồn điện trên tàu bị ngắt, nhìn ra xung quanh là cả một không gian màu đen. Nỗ lực sửa chữa mãi không được, thế là đành để tàu trôi dạt, lúc tàu bị nạn đang cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 110 hải lý” - ông Cứ nhớ lại. Những tín hiệu cấp cứu sau cùng được phát đi qua hệ thống Đài Thông tin duyên hải được chuyển đến Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 3. Lập tức, một tàu trực gần nhất số hiệu 311 (Lữ đoàn 161) đang làm nhiệm vụ được lệnh lên đường cứu hộ, tiếp cứu và lai dắt tàu về đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) để sửa chữa, trước khi về đất liền.

Chuông reo là... nhấc
Cái tên Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng có lẽ không xa lạ gì với ngư dân. Bởi gần như ở các địa phương ven biển miền Trung đều có mặt đơn vị này và họ được ngư dân tin tưởng “giao” trọng trách làm điểm tựa.
Hải đội 2 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cũng không ngoại lệ. Đang là những ngày nghỉ lễ, vậy nhưng khi chúng tôi gọi điện đến số điện thoại bàn của đơn vị này đóng tại cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) chuông reo chưa dứt hồi thì đầu dây bên kia đã cất tiếng: “Alo, Hải đội 2 xin nghe”! Có nghĩa, ngày lễ cũng như ngày thường, ngày biển êm cũng như biển nổi sóng... việc trực tác chiến tại đơn vị vẫn rất đảm bảo, đúng kỷ luật quân đội. Thượng úy Lê Quang Cường cười rổn rảng bảo phải bám địa bàn, bám đơn vị chứ nếu lỡ ngư dân gọi về mà không có mình thì biết gọi ai? Vâng! “Lỡ”, cái từ nghe nhẹ nhàng làm sao, lỡ rồi, lỡ thôi mà... nhưng khi thượng úy Cường cất lên mới thấy thật ý nghĩa. Bởi theo anh Cường, lỡ một cuộc điện thoại có khi cả chục ngư dân phải trả giá. Vì vậy anh em đơn vị mới hay đùa vui nhưng cực kỳ nghiêm túc: “Chuông reo là... nhấc (máy)”! Khi đã nhấc máy lên rồi, nhận được tin ngư dân cần giúp đỡ, lập tức các tàu nhận lệnh lên đường ra vị trí cần tiếp cận dù sóng dữ, mây mù có trùng trùng điệp điệp che lấp cả bầu trời, dù tính mạng của các chiến sĩ có bị đe dọa nhưng tất cả vì ngư dân, vậy là cứ căng mắt, dõi cả tấm lòng của mình về hướng ngư dân đang gặp nguy hiểm.
Tại đơn vị, cuốn sổ đã nhuốm màu thời gian, nét chữ đã bắt đầu nhòe do liên tục được mở ra, gấp lại để ghi nhật ký sự kiện, trong đó có ghi ngày-tháng-năm, như: “Được lệnh ra khơi cứu nạn tàu BĐ 50820 cùng 6 ngư dân ở Bình Định, bị nạn cách cửa Sa Kỳ 4 hải lý khi đồng hồ đã điểm 23 giờ 10 phút”. Lập tức, đơn vị điều tàu BP 09.11.01 tức tốc lên đường. Sau hơn 4 giờ tìm kiếm trong mưa bão mới tiếp cận được tàu bị nạn trong tình trạng nguy hiểm ở khu vực có nhiều đá ngầm, sương mù, gió to. Khi tiếp cận được tàu, các chiến sĩ đã nhanh chóng lao xuống biển cứu được 6 ngư dân và đưa vào cảng Sa Kỳ an toàn, lúc này trời đã gần... 2 giờ sáng.
Nhận được tin tàu QNg 95487 của ông Trần Anh ở xã Bình Thạnh (Bình Sơn) cùng 21 ngư dân hành nghề câu mực trên vùng biển Quảng Ngãi, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, bị sóng đánh vỡ ván trôi dạt cách bờ hàng chục hải lý. Thời tiết trên biển lúc này gió cấp 6, cấp 7. Ban chỉ huy đơn vị đã tổ chức hội ý nhanh, cử tàu BP 09.11.01 cùng 10 cán bộ, chiến sĩ xuất kích cứu nạn. Mặc dù trong đêm tối, sóng cao, mưa to gió lớn nhưng với tinh thần quả cảm, cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua dông gió lao đi tìm kiếm. Đến 5 giờ sáng thì cập được mạn tàu QNg 95487, kịp thời lai dắt phương tiện cùng 21 ngư dân đưa vào bờ an toàn.
Đó chỉ là nét “phác họa đơn giản” về đặc thù công việc luôn phải hoạt động trong điều kiện thời tiết bất lợi, chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ khiến mọi thứ trở nên phức tạp, của Hải đội 2 Biên phòng Quảng Ngãi. Vất vả là thế, nhưng ở những người lính Hải đội 2 luôn cảm thấy vui, thấy hạnh phúc vì đã mang lại sự yên bình và niềm vui cho những ngư dân trên biển.


Theo http://www.sggp.org.vn