25 tháng 6, 2014

Hỗ trợ tối đa giúp ngư dân bám biển

Tàu cá luôn là đối tượng được hệ thống đài thông tin Duyên hải, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN ưu tiên hỗ trợ 24/24h, đảm bảo cho ngư dân yên tâm bám biển. Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật đã khẳng định như vậy khi trao đổi với PV Báo Giao thông.

80% đối tượng được cứu là tàu cá
Hàng trăm nghìn tàu thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam hoạt động trên biển phải đối mặt với những nguy hiểm rình rập. Vậy, tàu cá có thuộc đối tượng được ưu tiên cứu nạn không, thưa ông?
Trước hết, tôi phải khẳng định tìm kiếm, cứu nạn là hoạt động mang tính nhân đạo. Việc tìm kiếm, cứu nạn không phụ thuộc vào quốc tịch, thái độ chính trị, tôn giáo loại tàu bị nạn, biên giới lãnh thổ. Do vậy, tàu cá đương nhiên luôn được hỗ trợ cứu nạn. Thực tế kết quả tìm kiếm cứu nạn hàng năm cho thấy, 80% đối tượng được cứu là tàu cá, 10% là tàu hàng.
Phương tiện tàu cá thường rất nghèo nàn, lạc hậu. Như vậy, các tàu này cần trang bị thiết bị thông tin liên lạc, trang thiết bị cứu sinh tối thiểu nào để có thể tiếp cận được thông tin thời tiết, cảnh báo nguy hiểm cũng như báo nạn tới Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải (TKCNHH), Hệ thống đài thông tin duyên hải?
Thông thường, các thiết bị thông tin liên lạc vô tuyến trên các phương tiện tàu thuyền được trang bị theo vùng biển hoạt động hơn là theo trọng tải của tàu. Riêng đối với tàu cá, tại Thông tư 15 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã quy định cụ thể. Theo đó, các tàu hoạt động ở cự ly gần bờ (cách bờ khoảng 35 hải lý) cần trang bị 1 thiết bị thu phát thoại sóng cực ngắn (VHF) và 1 máy thu thoại tự động sóng ngắn 7906 kHz. Các tàu cá hoạt động ở cự ly xa bờ (vùng biển xa bờ trừ 2 vùng cực) cần trang bị 1 máy thu thoại tự động sóng ngắn 7906 kHz, 1 thiết bị thu phát thoại đơn biên sóng ngắn (HF) có chức năng trực canh trên tần số 7903 kHz của Hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam, 1 thiết bị định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) và 1 phao phát tín hiệu báo nạn qua hệ thống vệ tinh Cospas-Sarsat 406 MHz (phao vô tuyến chỉ báo vị trí khẩn cấp EPIRB). Ngoài ra, các tàu phải được trang bị đầy đủ phao cứu sinh theo quy định.
Để có thể nhận được những hỗ trợ từ Trung tâm khi gặp sự cố trên biển, các tàu cá chỉ cần liên lạc với các đài thông tin duyên hải qua tần số 7903KHZ và 7906 KHZ nhờ một máy thu phát tầm xa có công suất xấp xỉ 100W như: ICOM 707, ICOM 77, ICOM 718... (được trang bị phổ biến trên các tàu cá hiện nay). Về mặt kỹ thuật, máy ICOM là loại máy thu phát đơn biên SSB (Single Side Band), sóng ngắn SW.
Ưu điểm của các sản phẩm này là kích thước nhỏ, gọn, hàng sản xuất tại Nhật Bản, nhiều loại có pin lithium, có nhiều tính năng khác như chống cháy nổ, chịu nước ở độ sâu, công suất lớn, cự ly xa.
Khi gặp tình huống nguy cấp, các tàu cá phải phát tín hiệu báo nạn theo phương pháp nào? Ông có thể cho biết tần số báo nạn trên hệ thống vô tuyến điện mà tàu cá có thể liên hệ nhanh nhất?
Tàu cá gặp nạn có thể sử dụng bất cứ phương thức, tần số nào với thao tác hết sức đơn giản trên thiết bị thông tin. Khi gặp tình huống nguy cấp bất kể ở đâu, vào lúc nào, phổ biến và thông thường nhất, tàu cá chỉ cần gọi thoại trên sóng vô tuyến 7903 kHz là tần số trực canh cấp cứu quốc gia mà hệ thống đài TTDH VN đang khai thác trên phạm vi cả nước 24/24h.
Ngay sau khi nhận được thông tin, TKCNHH sẽ thông báo đến các cơ quan chức năng liên quan, yêu cầu đài thông tin duyên hải phát thông báo hàng hải, đồng thời chỉ đạo các Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực theo dõi thông tin diễn biến, giữ liên lạc với tàu cũng như yêu cầu các tàu đang hoạt động trong khu vực giúp đỡ. Các tàu cứu nạn SAR của Trung tâm cũng sẽ kịp thời ra hiện trường triển khai tìm kiếm cứu nạn.

Tập trung đầu tư thiết bị liên lạc cho ngư dân
Nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng riêng một hệ thống đài thông tin Duyên hải phục vụ tàu cá. Quan điểm của ông thế nào?
Tôi cho rằng không cần thiết xây dựng riêng một hệ thống đài thông tin duyên hải phục vụ tàu cá. Thứ nhất, Hệ thống Đài Thông tin duyên hải VN là một hệ thống quốc gia nằm trong một hệ thống tổng thể cấp cứu và an toàn hàng hải toàn cầu (GMDSS) không phân biệt đối tượng phục vụ mà phân biệt theo hạng loại thiết bị trang bị và vùng hoạt động của đối tượng đó. Do vậy, hệ thống này nên được duy trì và phát triển đồng bộ theo xu hướng chung và phù hợp với thực tế các quốc gia.
Thực tế trong nhiều năm qua, hệ thống đã triển khai các phương thức, tần số trực canh, phát quảng bá dành riêng cho tàu cá. Hơn nữa, cũng chưa có quốc gia nào trên thế giới xây dựng một hệ thống thông tin dành riêng phục vụ cho tàu cá mà chỉ có một hệ thống thông tin quốc gia phục vụ đa đối tượng trên biển trong đó có các loại tàu cá. Trong khi đó, ở Việt Nam đã thực hiện thí điểm nhưng không hiệu quả, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.
Để công tác tìm kiếm cứu nạn đạt hiệu quả cao, cần phải có một hệ thống thông tin có khả năng kết nối các nguồn lực tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển. Hệ thống Đài Thông tin duyên hải VN đã và đang thực hiện tốt việc đó cho cả tàu hàng lẫn tàu cá. Ngoài ra, nếu quá nhiều hệ thống, tàu thuyền bị nạn sẽ không biết gọi ai. Hiện nay, hệ thống duyên hải phục vụ rất tốt, tàu cá được phục vụ, dung lượng xử lý tai nạn này hoàn toàn thỏa mãn. Nhà nước cần tập trung đầu tư thiết bị cho ngư dân để có thể gọi được các Trung tâm này sẽ tốt hơn.
Cuối cùng, theo quan điểm của tôi, cần phải tập trung vào việc khai thác hiệu quả hệ thống Đài Thông tin duyên hải VN đang có bằng việc đưa ra những chính sách của nhà nước về việc hỗ trợ thiết bị thông tin cũng như không thể thiếu là việc đào tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ thông tin liên lạc.
Ngoài ra còn có thể sử dụng mọi biện pháp sẵn có gây sự chú ý của các tàu thuyền xung quanh như đốt lửa trên tàu, gây tiếng động, hành động khác thường… để tàu thuyền khác dễ dàng phát hiện và cứu giúp.
Cảm ơn ông!

Theo http://giaothongvantai.com.vn