30 tháng 10, 2013

Lắp đặt hệ thống quan sát tàu cá Movimar: Chưa phát huy hiệu quả

Hệ thống quan sát tàu cá, ngư trường, nguồn lợi hải sản bằng công nghệ vệ tinh Movimar được đánh giá là thiết bị hỗ trợ tối ưu cho nghề sản xuất trên biển. Tuy nhiên, sau gần một năm đưa vào hoạt động, thiết bị vẫn chưa hiển thị được các tính năng ưu việt.

Thiết bị Movimar được lắp đặt trên tàu cá của ngư dân Phạm Văn Thái.
Được triển khai từ tháng 12.2012, đến nay Quảng Nam đã lắp đặt được 49/50 thiết bị kết nối vệ tinh Movimar trên tàu cá đánh bắt xa bờ cho ngư dân. Từ sự ký kết tài trợ của Chính phủ Pháp với Việt Nam bằng nguồn vốn ODA, ngư dân Quảng Nam được Bộ NN&PTNT phân bổ hỗ trợ lắp đặt miễn phí 50 thiết bị này. Thiết bị nhằm giúp ngư dân định vị, có thể nắm bắt được các thông tin cần thiết cho mỗi chuyến ra khơi như ngư trường, tin dự báo thời tiết biển… Tuy nhiên, ông Phạm Văn Thái (thôn An Hải Đông, xã Tam Quang, Núi Thành, chủ tàu cá QNa-90028TS) cho biết: “Từ khi hệ thống hoạt động đến nay, chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm hạn chế. Cụ thể là tốn quá nhiều điện, gây nhiễu sóng, cản trở, làm nhiễu loạn hoạt động của máy dò ngang nên rất khó khai thác”. Còn ngư dân Huỳnh Văn Tèo (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, chủ tàu cá QNa-90398) thì nói: “Rất khó tin vào độ chính xác của thiết bị liên lạc này. Trong cơn bão số 8 vừa qua, rõ ràng tôi nhận được tin báo bão qua máy Icom, vậy mà thiết bị Movimar lại chẳng báo bão gì”.
Hệ thống Movimar có rất nhiều tính năng, nhưng do hiện nay mới thí điểm nên bước đầu chỉ dừng lại ở việc quan sát tàu cá, giúp ngư dân thông báo tình trạng tàu gặp sự cố trên biển do thiên tai, chết máy hay bị tàu khác đâm phải, bị tàu nước ngoài tấn công… Đây là thiết bị rất dễ sử dụng, bao gồm máy thu phát tín hiệu vệ tinh được lắp trên đỉnh boong tàu, hoạt động hoàn toàn tự động. Khi có sự cố trên biển, ngư dân nhấn nút thiết bị lắp trên tàu để báo về trung tâm giám sát (phía Bắc ở TP.Hải Phòng và phía Nam ở Vũng Tàu). Các trung tâm giám sát này thường xuyên kết nối dữ liệu với hệ thống đài thông tin duyên hải bố trí dọc các tỉnh, thành ven biển. Với chế độ trực canh 24/24 giờ, đơn vị này đảm bảo giám sát, cứu hộ, cứu nạn cho tàu cá gặp sự cố.
Cả tỉnh có 340 tàu cá công suất từ 90CV trở lên được UBND tỉnh công nhận hoạt động trên các vùng biển xa. Một số chủ tàu cá trang bị được máy Icom cho phương tiện của mình, một số ngư dân khác lắp đặt hệ thống định vị toàn cầu (GPS) theo cơ chế khuyến khích sản xuất trên các vùng biển xa của Chính phủ. Nhiều ngư dân chưa trang bị được thiết bị liên lạc khi hoạt động trên biển đã hồ hởi khi được hỗ trợ lắp đặt thiết bị Movimar nhưng lại thất vọng về thiết bị này. Theo Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, đánh giá và thử nghiệm của các chuyên gia khi chuyển giao công nghệ này cho thấy nhiều tính năng vượt trội. Đơn cử như cung cấp ngư trường cho sản lượng khai thác cao; phạm vi và tầm hoạt động của các đàn cá nổi. Một ví dụ khác là chỉ cần mở máy này lên khi ở trên biển, ngành chức năng sẽ biết được vị trí hoạt động của tàu cá mang theo thiết bị. Điều này sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi sản xuất trên biển. Tuy nhiên từ khi lắp đặt đến nay, thiết bị thường xuyên báo lệch tọa độ, vị trí của tàu. Khi tàu di chuyển trên biển, các vị trí hoạt động của tàu được báo lại rất chậm.
Ông Trần Văn Việt - Trưởng phòng Quản lý tàu cá (Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam) cho biết, các tính năng vượt trội của máy Movimar là không phải bàn cãi. Bởi trong quá trình chuyển giao công nghệ, phía Pháp đã chứng minh, thử nghiệm trên thực tế. Vấn đề nằm ở chỗ, khi lắp đặt trên tàu cá của ngư dân, hệ thống đã bị trục trặc kỹ thuật. “Sau khi nhận được phản ánh của ngư dân cũng như đi khảo sát thực tế, chúng tôi nhận biết máy Movimar đã chưa biểu hiện được các tính năng vượt trội. Tuy nhiên, quá trình thử nghiệm vẫn sẽ được tiến hành đến hết năm 2014. Vì thế rất cần sự phối hợp của nhiều cấp để kiện toàn lại hệ thống này” - ông Việt nói. Ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cũng cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị Tổng cục Thủy sản xem xét lại cách lắp đặt thiết bị có sơ suất gì không. Vừa qua, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo Đài Thông tin duyên hải TP.Đà Nẵng - đơn vị nhận chuyển giao, lắp đặt công nghệ này tại Quảng Nam cập nhật lại phần mềm cho hệ thống.

Theo báo Quảng Nam