Từ công tác dự báo thời tiết của các đài khí tượng thủy văn, đến công tác phối hợp giữa lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam luôn luôn gắn kết với ngư dân để bảo đảm công tác an toàn cho ngư dân và phối hợp công tác cứu hộ cứu nạn hiệu quả nhất.
Ông Đoàn Ngọc Hiên, Phó Trưởng đài thông tin duyên hải miền Trung, cho biết: Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ sửa đổi đã được Chính phủ ban hành lại quy định thời gian dự báo tới 96 giờ. Trung tâm khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia vận hành thử dự án mạng thông tin nối giữa các đơn vị của Trung tâm tại Hà Nội bằng đường cáp quang và với các Đài KTTV khu vực, các Trung tâm dự báo tỉnh bằng Internet; Nâng cấp phần mềm hỗ trợ dự báo viên để thể hiện quỹ đạo bão của Việt Nam và tích hợp quỹ đạo bão của các Trung tâm dự báo bão quốc tế.
Trung tâm mạng lưới KTTV và Môi trường, Trung tâm KTTV quốc gia tổ chức diễn tập quan trắc và truyền số liệu trong điều kiện có bão ở 54 trạm quan trắc của 6 Đài KTTV khu vực. Sau đó thực hiện việc quan trắc 30 phút/lần để nâng cao chất lượng dự báo bão (trước đây là 1 giờ/lần); đồng thời để Trung tâm KTTV quốc gia thử nghiệm phần mềm tự động giải mã và điền số liệu quan trắc (trước đây các dự báo viên phải giải mã và viết bằng tay).
Các đài Thông tin duyên hải (ĐTTDH) là cầu nối vô cùng quý giá với ngư dân. Với tần xuất phát 40 lần/ngày, ngư dân thường xuyên đón nhận các bản tin dự báo thời tiết cho từng khu vực trên biển. Khi thời tiết bất thường như bão và áp thấp nhiệt đới thì số lần phát lên tới 264 tần trên ngày, tức 15 phút/lần. Nếu như các đài phát thanh và truyền hình trên toàn quốc cơ bản phát đi thông tin dự báo một chiều, thì các ĐTTDH lại là hệ thống thông tin đa chiều trên tần số VHF và MFHF. Ngư dân không chỉ nghe thời tiết mà còn thông tin ngược lại ĐTTDH thông báo tình hình tàu đánh bắt, nhất là khi tàu gặp nạn. Cũng theo ông Hiền, cho biết: Chức năng của ĐTTDH là phát quảng bá thông tin an toàn hàng hải; Dự báo thời tiết an toàn cho từng khu vực; Cảnh báo thiên tai: trợ giúp cấp cứu y tế.
Cảnh sát biển đang tuyên truyền phương pháp phối hợp cứu hộ cứu nạn cho thuyền trưởng tàu cá |
Ngoài ra ĐTTDH còn có một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là tiếp nhận và xử lý thông tin cấp cứu thông qua hệ thống máy thu khẩn cấp sau đó báo về ban tìm kiếm cứu nạn, hoặc cảnh sát biển, hay Trung tâm hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn khu vực VI, thuộc Bộ GTVT.
Cảnh sát biển đang cấp cứu ngư dân bị tai nạn trên biển |
Mới đây, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải VN, đã được Bộ trưởng Bộ GTVT có công văn khen ngợi vì nhanh chóng cứu hộ thành công tại vùng biển Thanh Hóa. Vào hồi 18h55 ngày 07/8/2013, nhận được tin báo Sà lan SG6269 đang thi công cảng Nghi Sơn (Thanh Hoá) bị rê neo, trôi ra biển trong điều kiện đêm tối, bão số 6 đang đổ bộ vào khu vực Thanh Hoá, sóng gió cấp 8, giật trên cấp 8; tính mạng thuyền viên bị đe doạ nghiêm trọng, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam đã phát ngay thông báo hàng hải, phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Thanh Hoá điều động lực lượng, phương tiện tại chỗ tham gia cứu nạn.
Do nguồn lực tại chỗ hết sức mỏng, Sà lan SG6269 không có động cơ, không có thiết bị, nghi khí hàng hải nên không báo được vị trí bị nạn khiến cho công tác tìm kiếm cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Trung tâm đã khẩn trương phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Thanh Hoá điều động tàu biển Confidence đang hành trình từ miền Nam ra bắc đến ứng cứu. Đến 08h00, ngày 8/8/2013, 03 thuyền viên trên Sà lan SG6269 đã được cứu sống, Sà lan SG6269 cũng được đưa vào bờ an toàn.
Hay một vụ tai nạn khác đã được trực thăng Quân đội cấp cứu kịp thời. Ngày 19/8, anh Trực cùng 12 thuyền viên trên tàu đánh cá BĐ 97076 đang chuyển cá sang tàu thu mua trên biển, cách đảo Song Tử Tây (thuộc Quần đảo Trường Sa) khoảng 90 km về phía Bắc, anh Trực không may bị tai nạn. Do bị lốp giảm va đập bên thân tàu đập vào lưng nên anh Trực bị chấn thương cột sống, rối loạn cơ vòng, bí tiểu, bụng trướng. Mặc dù đã được các y, bác sỹ tại Bệnh xá Song Tử Tây tận tình cứu chữa nhưng thương tích quá nặng, tình trạng sức khỏe nguy kịch nên Đảo xin hỗ trợ máy bay trực thăng chuyển anh Trực vào đất liền. Đến chiều 21/8/2013, Trung đoàn 937 đã dùng trực thăng cứu thuyền viên Nguyễn Văn Trực, sinh năm 1975, ở xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định bị tai nạn trên biển.
Thuyền viên được đưa từ trực thăng tới bệnh viện |
Riêng tại vùng biển miền Trung, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực IV, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng số thông tin báo nạn và vụ việc được xử lý là 22 vụ. Trong đó, có đến 19 vụ tai nạn trên biển là báo nạn thật, chủ yếu là tàu thuyền bị va chạm, hỏng máy, mắc cạn, thuyền viên bị thương... Có tới 5 vụ liên quan đến tàu chở hàng, 17 vụ liên quan đến tàu thuyền của ngư dân đánh cá; Số phương tiện được Trung tâm cứu hộ trực tiếp là 12 vụ, và tổng số người bị nạn trên biển được cứu nạn và hỗ trợ là 142 người, không có người nào bị chết, hoặc mất tích.
Đơn vị thường xuyên nhận tín hiệu và thực hiện cấp cứu nữa là Cảnh sát biển. Dọc giải đất miền Trung từ đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đến Bình Định do Vùng Cảnh sát biển 2 đảm nhận đang thực hiện rất tốt nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn cho ngư dân. Năm 2009, Cảnh sát biển vùng 2 cứu hộ thành công một vụ, từ đó đến nay Vùng Cảnh sát biển 2 đã cứu 9 vụ, bảo đảm an toàn cho hàng ngàn ngư dân đánh bắt trên biển.
Theo giaothongvantai.com.vn