Những năm gần đây, nghề khai thác hải sản được chuyển dần theo hướng ra khơi dài ngày. Để vừa khai thác hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn cho chuyến biển dài ngày, hệ thống thông tin liên lạc trên tàu giữ một vai trò vô cùng quan trọng, giúp người đi biển kịp thời cập nhật các thông tin về sự cố trên biển, thông tin về kêu gọi tàu.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, Dự án hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh hay còn gọi là Movimar, do Chính phủ Pháp tài trợ đang được Ban quản lý các dự án Nông nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT triển khai rộng khắp để giúp ngư dân bám biển mưu sinh và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
BR-VT là một tỉnh ven biển nên có nhiều tiềm năng về đánh bắt thủy sản. Với chiều dài bờ biển lên tới hơn 300km, trong đó phần bờ biển ở đất liền dài 100km và một huyện đảo, diện tích vùng đặc quyền kinh tế biển của tỉnh khoảng 297.000km2. Đặc biệt, BR-VT còn nằm trong ngư trường được thiên nhiên ưu đãi, thời tiết ôn hòa, ít khi xảy ra gió bão mạnh, nên rất thuận lợi cho hoạt động khai thác gần bờ và xa bờ. Vùng biển BR-VT có nguồn lợi hải sản rất phong phú và đa dạng với 661 loài cá, 35 loài tôm, 23 loài mực. Trữ lượng khai thác hàng năm lên tới 250.000 tấn. Dọc theo bờ biển, địa hình phần lớn là bãi cát, rừng ngập mặn tự nhiên có nhiều cửa sông, rạch chạy sâu vào nội địa nên thuận lợi cho tàu thuyền hoạt động.
Trong những năm qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư vào lĩnh vực đánh bắt xa bờ, kĩ thuật khai thác được nâng cao, tàu thuyền phần lớn được đầu tư trang thiết bị tiên tiến, phương thức tổ chức sản xuất được đổi mới. Nhờ vậy, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh liên tục tăng, trong đó riêng năm 2012, sản lượng khai thác đã đạt trên 294.000 tấn. Nhưng nhìn một cách tổng quát, sản lượng khai thác này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của vùng biển BR-VT.
Tỉnh đã xác định từ nay đến năm 2015 sẽ triển khai nhiều giải pháp để phát triển bền vững và có chiều sâu lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản. Và để mục tiêu này có thể phát triển bền vững ổn định, một công việc rất quan trọng cần phải thực hiện, đó là các tàu khai thác thủy sản xa bờ phải đầu tư các phương tiện thông tin liên lạc tiên tiến.
Từ nhu cầu thực tiễn, Dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh- Movimar” còn gọi là Dự án Movimar được ký kết giữa Pháp và Việt Nam thực hiện trong ba năm 2011 – 2013, bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Pháp ra đời, được các chuyên gia đánh giá sẽ là bước cải tiến mới trong việc phát triển hệ thống thông tin liên lạc giữa các tàu cá với đất liền.
Theo đó, dự án sẽ trang bị 3.000 thiết bị kết nối vệ tinh cho các tàu cá của 28 tỉnh, thành ven biển. Trong đó, việc trang bị sẽ tập trung cho các địa phương như Kiên Giang với 400 tàu, Bình Định và Quảng Ngãi mỗi tỉnh có 280 tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu với 270 tàu, Bình Thuận với 250 tàu, Bến Tre có 200 tàu…
Đây là hệ thống thông tin liên lạc được nhiều nước trên thế giới áp dụng và mang lại hiệu quả cao trong việc quản lý tàu cá. Hệ thống giúp cho ngư dân có thể nhận những thông tin về thời tiết, bão, áp thấp nhiệt đới, thông tin chỉ đạo và hướng dẫn khai thác trên biển…
Ngoài ra, thiết bị này còn giúp ngư dân xác định ngư trường có nhiều thủy sản, cung cấp trực tiếp cho phương tiện các thông tin bảo vệ nguồn lợi thủy sản và có khả năng gửi báo cáo đánh bắt bằng hình thức nhật ký điện tử hàng ngày theo yêu cầu của cơ quan quản lý tàu cá.
Theo Đài thông tin duyên hải Vũng Tàu, đơn vị triển khai lắp đặt hệ thống Movimar, điều kiện để được hỗ trợ lắp đặt hệ thống này là tàu cá phải có công suất tối thiểu 90 CV trở lên, hoạt động khai thác thuỷ sản thuộc các nghề câu cá ngừ đại dương, câu mực đại dương, lưới vây, lưới kéo, lưới rê và một số nghề đặc thù khác. Tàu hoạt động trên vùng biển Việt Nam và phải được tổ chức thành tổ đội. Trong đó, ưu tiên lắp đặt cho tàu cá là đội trưởng đội cứu hộ, cứu nạn trên biển, tàu kiểm ngư thuộc quyền quản lý của các cơ quan quản lý nghề cá các cấp.
Với thiết bị này, ngư dân sẽ thường xuyên nhận được các thông tin cần thiết từ các cơ quan chức năng để có giải pháp ứng phó kịp thời, chẳng hạn như đường đi của bão để phòng tránh. Trong trường hợp xảy ra sự cố, ngư dân sẽ cung cấp thông tin chỉ bằng một nút nhấn về trung tâm tích hợp điều khiển thông tin chung Themis đặt tại Hà Nội và 2 trung tâm giám sát phía Bắc ở Hải Phòng và phía Nam ở Vũng Tàu. Các trung tâm thông tin này sẽ thường xuyên kết nối dữ liệu với hệ thống Đài Thông tin duyên hải bố trí dọc các tỉnh, thành ven biển với chế độ trực canh 24/24 giờ.
Hệ thống Movimar là thiết bị có rất nhiều tính năng, song lại dễ sử dụng, bao gồm máy thu phát tín hiệu vệ sinh được lắp trên đỉnh boong tàu, hoạt động hoàn toàn tự động, thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của môi trường biển, nhiệt độ cao. Khi có sự cố trên biển, ngư dân nhấn nút thiết bị lắp trên tàu để báo về các đài thông tin duyên hải. Từ đó, Trung tâm sẽ thông báo cho các cơ quan giám sát, cứu hộ, cứu nạn. Với thiết bị này, ngư dân hoàn toàn yên tâm đánh bắt xa bờ an toàn, mở rộng ngư trường. Tuy nhiên, do hiện nay mới thí điểm, nên bước đầu việc sử dụng hệ thống này chỉ dừng lại ở việc quan sát tàu cá, giúp ngư dân thông báo tình trạng tàu gặp sự cố trên biển do thiên tai, chết máy hay bị tàu khác đâm phải, bị tàu nước ngoài tấn công…
Một chủ tàu tại cảng Bến Đá TP. Vũng Tàu cho biết: “Đây là thiết bị hết sức có ích đối với ngư dân, đặc biệt là trong tình hình không thuận lợi do thời tiết thất thường. Có thiết bị này, chúng tôi yên tâm hơn khi ra khơi. Được biết đây còn là thiết bị xác định được ngư trường có nhiều thủy sản sẽ giúp cho chúng tôi khai thác, đánh bắt hiệu quả cao cũng như góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
Hiện nay, đã có 30 thiết bị Movimar được lắp đặt cho các tàu cá thuộc các địa phương trong tỉnh. Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2013, Đài thông tin duyên hải Vũng Tàu sẽ triển khai lắp đặt 270 thiết bị Movimar cho các tàu cá của tỉnh đã đăng kí lắp đặt.
Dự án Movimar được khởi động góp phần giúp ngư dân có được những thông tin dự báo thời tiết nhanh, kịp thời, chính xác, hỗ trợ cho các thuyền trưởng định vị chính xác ngư trường khai thác, tiết kiệm nguồn nhiên liệu, giúp cho ngư dân yên tâm bám biển, khai thác nguồn lợi thủy sản, ổn định cuộc sống và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Theo http://brt.vn