Lắp đặt hệ thống máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh (GPS) là điều cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên, hiện nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh vẫn chưa mạnh dạn đầu tư thiết bị này vì chưa được cơ quan chức năng xét duyệt hỗ trợ kịp thời.
Nhiều tiện ích
Quảng Nam hiện có không dưới 200 phương tiện khai thác hải sản trên các vùng biển thuộc 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Để tăng cường công tác quản lý tàu cá hoạt động trên biển, hỗ trợ công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, việc đầu tư trang bị GPS là điều cấp thiết hiện nay. Theo ông Nguyễn Văn Giỏi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, quản lý thông tin và giám sát vị trí tàu cá trên biển sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay. Với tính tiên tiến và thích hợp của công nghệ, GPS sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước lưu giữ thông tin về số hiệu, thời gian hoạt động, tọa độ di chuyển, tốc độ di chuyển… của tàu cá. Các dữ liệu này sẽ giúp cơ quan chức năng nắm bắt hoạt động của ngư dân, thuận tiện cho công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Thời gian qua, thực hiện Quyết định số 48/ 2010/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Để nhận được hỗ trợ về nhiên liệu, về kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên…, ngư dân buộc phải có xác nhận của UBND xã đảo, bộ đội Hải quân hoặc nhà giàn gần ngư trường khai thác. Nếu không có xác nhận này, để nhận hỗ trợ, ngư dân bắt buộc phải xác định được vị trí khai thác là trên vùng biển xa thông qua GPS. Khi được trang bị GPS, ngư dân chỉ cần gửi tin nhắn về trạm bờ là có thể được xác nhận vị trí khai thác. Thiết bị này cũng giúp ngư dân có nhiều thời gian bám biển hơn vì không phải vất vả đến UBND xã đảo, bộ đội Hải quân hoặc nhà giàn gần ngư trường khai thác để xác nhận.
Chưa được hỗ trợ kịp thời
Theo quy định của UBND tỉnh, khi lắp đặt GPS, ngư dân sẽ được hỗ trợ 100% chi phí. Tuy nhiên, theo nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh, sau khi mua máy và lắp đặt xong, đến thời điểm này họ vẫn chưa được hỗ trợ kinh phí dù đã hoàn tất hồ sơ. Ông Huỳnh Ngọc Huệ (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, Núi Thành), là chủ phương tiện QNa 91405 TS có công suất 900CV làm nghề câu mực khơi, cho biết: “Phải vất vả lắm chúng tôi mới mua được GPS. Sử dụng và làm hồ sơ xin hỗ trợ máy từ đầu tháng 2 nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được ý kiến nào từ ngành chức năng. Chúng tôi được biết, hỗ trợ ngư dân là chủ trương chung nhưng tại sao ở nhiều tỉnh bạn, ngư dân được hỗ trợ rất kịp thời còn chúng tôi thì không được thông tin gì cả”. Ông Lê Văn Thúy (thôn Thuận An, Tam Giang, Núi Thành), chủ tàu cá QNa 91379 TS có công suất 600CV làm nghề câu mực khơi cho biết thêm: “Chúng tôi được biết, ở nhiều tỉnh, thành như Quảng Ngãi, TP. Đà Nẵng, ngư dân được ngành chức năng lắp đặt miễn phí GPS tại tàu chứ không phải chờ đợi để được mua máy rồi làm hồ sơ xin hỗ trợ như chúng tôi. Ấy vậy, hồ sơ xin hỗ trợ của chúng tôi vẫn… biệt vô âm tín từ đầu năm đến nay”.
Theo nhiều ngư dân, mặc dù đã được ngành chức năng xác định vị trí tàu cá đang hoạt động trên vùng biển xa (hệ thống liên lạc của ngư dân nhận được tín hiệu từ trạm bờ sau khi đã gửi tin), tuy nhiên đến nay hồ sơ xin nhận hỗ trợ về nhiên liệu, về kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên… vẫn chưa được ngành chức năng trả lời thỏa đáng. “Hiện tại, tàu cá của chúng tôi đã được lắp đặt máy thông tin liên lạc ICOM 718, có thể dễ dàng liên lạc với các tàu cá cùng ngư trường cũng như các đài duyên hải, đài trực canh khi cần thiết. Cả năm vừa rồi, chúng tôi bám biển ở Trường Sa và làm hồ sơ, trong đó có sự xác nhận của bộ đội Hải quân như quy định nhưng không nhận được hỗ trợ nào. Năm nay chúng tôi trang bị GPS để dễ dàng xác nhận vị trí của phương tiện, hy vọng sẽ nhận được hỗ trợ như quy định” - anh Huỳnh Quốc Việt (thôn Đông Xuân, Tam Giang, Núi Thành), chủ tàu cá 500CV làm nghề câu mực khơi, nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết, đến thời điểm này, mức hỗ trợ cụ thể cho khai thác hải sản trên vùng biển xa theo quy định của UBND tỉnh vẫn chưa được công bố. Nhiều kiến nghị về hỗ trợ khai thác hải sản trên vùng biển xa của ngư dân, địa phương không thể trả lời nên đã chuyển lên cấp trên và cũng đang… chờ. Còn theo ông Lê Minh Hương, Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính (Sở NN&PTNT) kiêm Chủ tịch Hội đồng thẩm định hỗ trợ ngư dân tỉnh, xét duyệt hồ sơ hỗ trợ cho ngư dân phải qua nhiều công đoạn, nhiều cấp, rất khó khăn nên ngư dân vẫn phải chờ. Đối chiếu với nhiều địa phương ven biển của miền Trung, việc hỗ trợ cho ngư dân được tiến hành thông suốt, nhanh gọn giúp ngư dân yên tâm bám biển, thiết nghĩ cơ quan chức năng của tỉnh cần tiến hành nhanh và chính xác để kịp thời hỗ trợ để ngư dân yên tâm bám biển.
Theo nuithanh.gov.vn