24 tháng 7, 2012

Đừng để “lời nói gió bay”

Đối với người dân các tỉnh duyên hải miền Trung, thông tin dự báo thời tiết ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, thậm chí đến tính mạng của con người. Việc dự báo sai lệch nghiêm trọng vẫn xảy ra, nhưng cơ quan dự báo chưa bị truy trách nhiệm đến cùng...

Nghe đài, ra khơi
Mới nhất là cơn bão số 2 (16 -19.6.2012) có tên Talim, đã có kết quả dự báo lệch, khiến hàng trăm tàu cá ở miền Trung lâm nạn. Thuyền trưởng tàu cá ĐNa-90449, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng - Hồ Ngọc Thạnh cho biết, khi có diễn biến thời tiết xấu như áp thấp nhiệt đới, bão, radio bật 24/24 giờ để nghe ngóng sóng gió, hướng di chuyển của bão... Vì ngư trường rộng lớn, chúng tôi buộc phải nghe nhiều kênh thông tin thời tiết từ các đài duyên hải miền Trung, Hải Phòng và cả TPHCM, Trung tâm khí tượng thuỷ văn Trung Trung Bộ. Chủ yếu trên tần số 8294. Mới đây, từ 16 - 17.6, tin cơn bão số 2 dự báo sẽ di chuyển vào toạ độ 19.2 vĩ độ bắc, 110-111 độ kinh đông. Chúng tôi liền di chuyển xuống vĩ độ 17. Thế nhưng vẫn không tránh được sự càn quét của bão số 2. Nhiều tàu câu mực đã hư hại rất nặng. Rất may là không có người thiệt mạng, chìm tàu.
Năm 2009, thông tin báo lũ các tỉnh từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đến Kon Tum đều bị sai lệch. Hàng vạn dân bị bất ngờ vì lũ vượt đỉnh lịch sử, tốc độ nhanh, sức tàn phá khốc liệt. Cơ quan dự báo “đổ lỗi” cho các thuỷ điện xả lũ đã không có thông báo kịp thời để họ cộng dồn mực nước... Thế nhưng chưa có nghiên cứu cụ thể, “mổ xẻ” trách nhiệm trong công tác dự báo thời tiết.

7 lần hầu toà vì “ông thời tiết”
Trường hợp ngư dân Nguyễn Đức Thạch, quận Thanh Khê, Đà Nẵng, chủ tàu ĐNa-90271 thì điển hình hơn. Tháng 11.2008, ông Thạch nghe tin dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn Trung Trung Bộ để ra khơi. Tất nhiên là trời yên biển lặng (theo bản tin dự báo hằng ngày), thì mới được bộ đội biên phòng cho xuất bến. Rồi tàu anh bị hỏng máy, nước tràn vào gây chìm trên biển. Bộ đội biên phòng đã ứng cứu kịp thời đưa 14 ngư dân vào bờ an toàn. Với con tàu 1 tỉ đồng, ông Thạch mua bảo hiểm của Cty Bảo Minh giá 10 triệu đồng/năm, mức bồi thường tối đa 820 triệu đồng. Thế nhưng bảo hiểm đã từ chối bồi thường với lý do: “Ra khơi khi có áp thấp nhiệt đới”. Ông Thạch kiện ra toà,  Bảo Minh đã trưng bản tin dự báo thời tiết của Đài khí tượng thuỷ văn... miền Nam để chứng minh ngày ông ra khơi có thông báo áp thấp nhiệt đới...
Trong khi đó, ông Thạch ra khơi khi nghe tin Đài Trung Trung Bộ, không có thời tiết xấu. Điều đó đã được chứng nhận của bộ đội biên phòng, Ban phòng, chống lụt bão Đà Nẵng và cả Đài khí tượng thuỷ văn Trung Trung Bộ. Mất 2 năm trời với 7 lần hầu toà, cuối cùng ông Thạch thắng kiện. Cty bảo hiểm chi trả 197 triệu, chỉ bằng 2/3 số tiền yêu cầu bồi thường. Riêng các đơn vị dự báo thời tiết... vô can.
Trưởng phòng dự báo thời tiết, Đài khí tượng thuỷ văn Trung Trung Bộ - ông Nguyễn Thái Lân cho biết, hiện cơ quan này đã được trang bị nhiều phương tiện kỹ thuật tương đối hiện đại nên mức độ sai lệch trong dự báo không lớn. Hầu hết sai lệch ấy trong mức cho phép. Đài có trách nhiệm quan trắc, dự báo thời tiết tập trung các tỉnh, thành duyên hải Trung Trung Bộ. Những thông tin bão, áp thấp trên biển thì phối hợp toàn quốc chứ không có tin riêng.

Theo Báo Lao động