26 tháng 7, 2012

Trang bị tàu lớn để cứu nạn trên biển

Theo thiếu tướng Phạm Hoài Giang Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn, lực lượng này sẽ được trang bị thêm tàu lớn để thực hiện công tác trên các vùng biển xa.

Trao đổi với báo chí chiều 25/7, thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Cục trưởng Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng) kiêm Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, ứng cứu trên biển là lĩnh vực phức tạp nhất.
Theo tướng Giang, đa số tàu, thuyền của ngư dân Việt Nam thô sơ, nhỏ bé, không chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Khi các phương tiện đi vào các vùng "nhạy cảm", có tranh chấp thì rất khó thực hiện ứng cứu. Ngoài ra, khi có tình huống nguy hiểm, không phải ngư dân nào cũng tuân thủ cảnh báo. Nhiều tàu, thuyền còn tắt các thiết bị liên lạc để giấu ngư trường. Trong khi đó, phương tiện cứu hộ hiện còn hạn chế, đặc biệt khi tác nghiệp ở các vùng biển xa.
"Thực tế đòi hỏi cần dân sự hóa và nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn. Chính phủ đã giao Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn và Bộ Kế hoạch đầu tư nghiên cứu, tới đây sẽ có tàu lớn để phục vụ công tác này", thiếu tướng Giang nói.
Cũng theo ông Giang, thông qua công tác cứu hộ, cứu nạn, Việt Nam đã gia nhập xu hướng hợp tác toàn cầu. Nhiều nước dù chưa có quan hệ hợp tác, song, thông qua công tác này đã hiểu về Việt Nam nhiều hơn.
Còn theo thiếu tướng Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm chính trị Bộ Tổng tham mưu, Cục Tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn được xác định là một lực lượng tác chiến trong thời bình, tuy nhiên, để làm tốt công tác này, điều quan trọng là phải huy động tốt lực lượng tại chỗ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra gần 19.600 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố làm 5.090 người chết, hơn 100 người khác mất tích và trên 20.000 người bị thương; thiệt hại về tài sản hàng nghìn tỷ đồng. Riêng lực lượng quân đội, trong vòng 5 năm qua đã có tới 19 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai.

Theo Vnexpress