18 tháng 7, 2012

Tàu biển VN bị lưu giữ ở nước ngoài: Bao giờ ra khỏi danh sách đen?

Con người là nguyên nhân… cơ bản, còn trang thiết bị là nguyên nhân… chủ yếu dẫn đến việc tàu biển Việt Nam (VN) bị lưu giữ ở nước ngoài. Cục Hàng hải VN đặt mục tiêu đưa đội tàu biển VN ra khỏi danh sách đen ở các cảng nước ngoài vào năm 2014, nhưng để thực hiện được không phải điều đơn giản.

Tàu Việt Nam là đối tượng “ưu tiên” kiểm tra
Cục Hàng hải VN cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2012, chỉ có 30 lượt tàu biển VN bị lưu giữ tại các cảng nước ngoài, giảm 14 lượt so với cùng kỳ năm 2011. 457 khiếm khuyết các loại đã được phát hiện trong quá trình kiểm tra 30 lượt tàu biển bị lưu giữ kể trên và có 92 khiếm khuyết nghiêm trọng dẫn đến lưu giữ tàu. Trong đó, 68,82% khiếm khuyết lưu giữ liên quan đến trang thiết bị của tàu, 15,05% liên quan đến giấy tờ, tài liệu của tàu, 16,13% liên quan đến việc vận hành của thuyền viên.
Tuy số lượng tàu lưu giữ đã giảm, nhưng ông Đỗ Đức Tiến - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải - cảnh báo số lượt tàu bị kiểm tra không giảm nhiều (434 lượt). Qua đó có thể thấy đội tàu biển VN vẫn là đối tượng kiểm tra được “ưu tiên”, đặc biệt là tại các cảng ở Trung Quốc (kiểm tra 87 lượt, lưu giữ 18 lượt tàu), Indonesia (kiểm tra 101 lượt, lưu giữ 6 lượt). Nói cách khác, đội tàu biển VN vẫn nằm trong danh sách đen cần được kiểm tra tại các cảng biển nước ngoài.
Một trong những lý do giải thích cho việc tàu biển VN bị lưu giữ ở nước ngoài giảm là việc thực hiện chỉ thị 09/CT-BGTVT từ tháng 10.2011 về việc tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu tàu biển VN bị lưu giữ PSC (Port State Control - kiểm tra nhà nước tại cảng biển) ở nước ngoài. Theo đó, các cảng vụ phải kiểm tra 100% các tàu biển VN trước khi rời cảng biển VN đi nước ngoài, trong đó đặc biệt lưu ý đến các tàu biển VN đã từng bị lưu giữ PSC ở nước ngoài.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Xuân Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu VN - cho rằng, còn có nguyên nhân khác. Đó là tàu của các DN tư nhân, tàu địa phương là những tàu có nguy cơ bị lưu giữ cao ít hoạt động vận tải tuyến quốc tế hơn do suy thoái kinh tế.

Lỗi con người là cơ bản
Theo Cục Hàng hải VN, có một số nguyên nhân dẫn đến việc tàu biển VN bị lưu giữ. Trong đó, nguyên nhân chính do việc cung cấp vật tư, phụ tùng bảo dưỡng rất hạn chế dẫn đến tình trạng kỹ thuật của tàu không đáp ứng quy định và không cung cấp đủ các ấn phẩm hàng hải. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ tàu và thuyền viên thực hiện Bộ luật Quản lý an toàn quốc tế ISM chưa tốt. Bên cạnh đó, có nguyên nhân do thuyền viên không được trả lương đúng thời hạn nên tinh thần làm việc kém.
Theo ông Đỗ Xuân Quỳnh, vài năm trước đội tàu phát triển nhanh nhưng nguồn nhân lực lại không đáp ứng được. Ông Quỳnh cho biết: “Có người học xong không biết cách hạ xuồng cứu sinh, thậm chí máy trưởng không biết vị trí cửa thoát hiểm. Thậm chí, có thuyền trưởng đi tuyến quốc tế còn không biết đến Công ước IMO (công ước của Tổ chức Hàng hải quốc tế - PV). Chưa khắc phục được vấn đề về nguồn nhân lực, sẽ không giải quyết được tình trạng tàu bị lưu giữ ở nước ngoài”.
Được biết, Cục Hàng hải VN đang triển khai kiểm tra tập trung hệ thống chống cháy cho tất cả các tàu biển VN chạy tuyến quốc tế để chấn chỉnh, khắc phục các khuyết điểm trước khi Tokyo MOU và Paris MOU triển khai kiểm tra từ 1.9 – 31.11.

Theo Lao động