15 tháng 7, 2012

Biển cả luôn ẩn trực hiểm họa

Năm 2010, số người chết và mất tích vì thiên tai, thảm họa, tai nạn trên biển đã lên tới 420 người, năm 2011, giảm xuống 295 người. Song biển cả mênh mông vẫn luôn nhiều hiểm họa, gian nguy. Vậy nhưng công tác cứu nạn trên biển lại hết sức khó khăn vì hầu hết những vụ cứu nạn từ trước đến nay diễn ra trong điều kiện sóng to gió lớn, đêm tối, sương mù, tầm nhìn hạn chế… và quan trọng hơn cả là thường ở những khu vực rất xa đất liền.

24/24h ứng trực ngoài khơi
Biển bao la và khắc nghiệt. Công tác cứu nạn trên biển vì thế càng khó khăn và đặc thù, thưa ông?
Tính đến hết năm 2011, toàn quốc đã có hơn 130.000 tàu cá. Nếu như cả 130.000 phương tiện này hoạt động, cả nước có hàng triệu người mưu sinh, khai thác lợi ích từ kinh tế biển. Rõ ràng, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường, luôn ẩn chứa những hiểm nguy chết người bất cứ lúc nào hay bất cứ khi nào.
 Đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn cho chúng tôi - những thành viên cứu nạn trên biển, coi an toàn sinh mạng và sức khỏe của ngư dân không khác gì mạng sống của chính mình.

Thưa ông, quy trình cuộc cứu nạn trên biển như thế nào? Chúng ta đều biết, tại những khoảng không xa xôi ấy dẫu chỉ một phút thôi cũng đồng nghĩa với sự sống hoặc cái chết?
Trước tiên, người bị nạn bằng tất cả phương tiện "sống”, thông báo lên hệ thống báo nạn. Hệ thống này hiện nay luôn được chúng tôi ứng trực 24/24h ở tất cả các trung tâm chính và khu vực như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu và Nha Trang. Sau khi tiếp nhận thông tin, việc quan trọng hơn cả là kiểm chứng lại thông tin xem đúng hay sai bằng các kênh khác nhau, như điện lại trực tiếp số cứu nạn, thông qua gia đình người cần cứu nạn, cơ quan quản lý khác hoặc bắt liên lạc với phương tiện, người dân hoạt động ở gần đó... Xác minh trên biển là yếu tố rất quan trọng, vì nhiều trường hợp tàu cứu nạn ra tới nơi, tàu bị nạn đã được các tàu ngư dân khác cứu hộ. Chính vì vậy, thông tin xác minh phụ thuộc vào điều kiện thực tiễn cũng như chuyên môn người xác minh.
 Từ thời gian nhận tin đến xác minh thông tin tùy từng vụ việc, đơn giản và phức tạp khác nhau, thường phụ thuộc vào thời tiết hay tình trạng người bị nạn. Có người báo tin xong mất liên lạc, có người bị sóng gió trùm đầu, thiết bị liên lạc hư hỏng, mất thông tin về vị trí… Thời gian xác minh thông tin báo nạn thường từ 0 đến 30 phút. Căn cứ theo thông tin xác minh, tùy từng vị trí mà trung tâm cứu nạn cử đội tàu hoặc liên lạc với những tàu quanh khu vực ra ứng cứu. Trên biển, phương tiện gần người bị nạn đến cứu nạn là hiệu quả nhất.

Vậy, chúng ta còn có những nguồn lực cứu nạn nào khác, thưa ông?
Thường có nhiều biện pháp để tiếp nhận thông tin và yêu cầu cứu nạn thông qua hệ thống quản lý an toàn hàng hải trên biển, thậm chí thông qua các hệ thống những tàu nước ngoài có thông tin liên lạc chuẩn, có chất lượng cao. Theo Luật, nếu tàu nước ngoài ở gần người cần cứu nạn, chúng tôi sẽ gửi thông tin và yêu cầu nghĩa vụ cứu nạn. Điều này cũng tương tự với các tàu khác trong nước. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với lực lượng như hải quân, cảnh sát biển, biên phòng, ngay cả phương tiện của các dàn khoan dầu nếu tàu bị nạn ở gần đó. Tôn chỉ là càng gần, càng nhanh, càng có lợi.

Tàu bé vẫn chưa thể vươn xa
Thực tế công tác cứu nạn hiện nay thường trong những điều kiện hết sức khó khăn như sóng to gió lớn, nguy hiểm muôn trùng. Sự khắc nghiệt của thời tiết đôi khi không đem lại những kết quả như mong muốn?Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?
Cứu nạn trên biển hết sức khó khăn vì hầu hết những vụ cứu nạn từ trước đến nay diễn ra trong điều kiện sóng to gió lớn, đêm tối, sương mù, tầm nhìn hạn chế… và quan trọng hơn cả là thường ở những khu vực rất xa đất liền.
Hiện chúng tôi có 7 tàu, 4 ca nô, trong đó có 3 tàu công suất 6.800 mã lực, có thể chạy với tốc độ khoảng 25 hải lý/h, phạm vi vươn xa khoảng 250 hải lý so với vị trí xuất phát. Sức chịu sóng gió ở mức cấp 8. Như vậy, nếu sóng gió cấp 9, cấp 10 trở lên đồng nghĩa là tàu không thể ra cứu nạn, hay nếu vượt quá số hải lý cho phép, tàu cũng không thể ra được.
Theo tính toán của chúng tôi, đội tàu muốn ôm cả vùng biển Việt Nam, phải vươn xa ít nhất 400 hải lý, nghĩa là còn tới hơn 150 hải lý chúng tôi chưa thể kiểm soát được hoàn toàn. Chính vì vậy, nhiều vụ cứu nạn đối với chúng tôi thực sự lực bất tòng tâm. Công tác cứu nạn lúc này như cầu may vậy, các thông tin được phát thông báo hàng hải may ra tàu nào gần đó có thể cứu trợ.
Tôi nói vậy để chia sẻ những khó khăn mà trung tâm đang phải đương đầu. Trong năm 2011, có tổng 313 vụ, trong đó 171 vụ báo nạn thật được xác minh, trung tâm huy động phương tiện cho 101 vụ. 6 tháng đầu năm 2012, trung tâm đã tổ chức cứu nạn thành công 65 vụ, số người được cứu là 491 người. Nhưng còn nhiều vụ thực sự không thành công. Một sinh mạng không cứu được, cũng khiến những người làm công tác cứu nạn chúng tôi day dứt, không yên.

Nói vậy, phải chăng cứu nạn chưa thành công vì chúng ta thiếu nguồn lực, tàu cứu nạn chưa thể vươn xa? 
Đúng vậy, nhiều vụ anh em Trung tâm muốn cứu cũng không đủ khả năng. Như vụ Vinaline Queen bị nạn ở vùng biển Philippines. Trong số 23 thuyền viên, chỉ có 1 thuyền viên được cứu sống thông qua cố gắng cứu nạn toàn cầu. 22 người còn lại mất tích. Tôi phải thừa nhận rằng, điều kiện phương tiện của Trung tâm không thể đáp ứng được việc cứu nạn lúc bấy giờ. Nếu chúng ta có đủ phương tiện cũng như mở rộng khả năng cứu nạn ra vùng biển quốc tế thì việc cứu nạn cứu hộ trên biển sẽ được cải thiện nhiều hơn.
Ở vùng biển nước ngoài, chúng ta vẫn có thể cứu nạn nếu như quốc gia có lợi ích trên đó. Cụ thể có 2 đối tượng: Thứ nhất, những tàu mang quốc tịch Việt Nam. Thứ hai, những tàu có công dân Việt Nam hoạt động trên tàu, thậm chí là tàu có hàng hóa Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có quyền tham gia cứu nạn để bảo vệ lợi ích của đất nước.

Cứu nạn cần những người có tâm và có trí
Thưa ông, cứu nạn trên biển thực sự là "nghề nguy hiểm”, điều đó cần một tinh thần kiên định với nghề, đồng thời phải có thể lực tuyệt vời để vượt trên sóng gió?
Hiện nay, chúng tôi có 270 con người. Họ, với tôi, là những "chiến sĩ biển” thực sự, với sự tận tâm tuyệt vời với công việc. Bởi, nếu để đối phó thì rất đơn giản. Anh em vẫn ra biển, vẫn tham gia tìm kiếm nhưng thay vì đi tìm kiếm đến nơi đến chốn, họ sẵn sàng có thể khai báo tàu hỏng máy hoặc sóng lớn tàu không thể đi được... Trên biển, muôn hình muôn vẻ khó khăn nên không thể quy trách nhiệm. Tất cả phụ thuộc vào quyết tâm muốn cứu nạn con người hay không?
Có tổ tàu đã nói với tôi, cứu người cũng như làm điều nhân nghĩa, cứ thực sự cảm giác những con người cần cứu giúp kia đó chính là những người thân của mình, ai sẽ là người cứu trợ họ đây. Chính vì tâm ý ấy nên cố gắng thêm một chút, điều đó cũng có nghĩa cơ hội sống sót cho nạn nhân trên biển chắc chắn được nhân lên bội phần.
Hiện nay, hầu hết các cán bộ khi vào trung tâm đều được kiểm tra trình độ tương đối khắt khe từ các phòng ban. Các cán bộ công nhân viên sẽ tham gia các khóa tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh đó, phải có chế độ tập luyện thể lực tốt để có khả năng chịu sóng gió. Người đi biển mà không chịu được sóng gió chẳng khác nào cứu người chết đuối mà không biết bơi. Ngoài ra đó còn là những bài tập tình huống bị nạn. Yếu tố này rất quan trọng, tập luyện kỹ sẽ giảm bớt rủi ro cho các thành viên cứu nạn, đồng thời tăng thêm "phần sống” cho người cần cứu nạn.
2 năm gần đây hoạt động này đã giảm nhiều, nguyên nhân vì không đủ kinh phí. Đơn cử như trung tâm được tự chủ chi thường xuyên trong 3 năm từ 2010 – 2013. Giá dầu từ 13.000 đồng /l lít, giờ là 20.000 đồng/ lít, không có tiền bù giá. Chính vì vậy thay vì huấn luyện trên biển, chúng tôi buộc phải huấn luyện trên bờ hoặc gần bờ.

Khó khăn này, cơ quan cấp trên liệu có biết? 
Tại các hội nghị tìm kiếm cứu nạn toàn quốc, tôi đều đưa ra vấn đề này nhưng mọi việc không có tiến triển nhiều. Hiện nay chúng tôi chịu nhiều sự chỉ đạo đồng thời, chẳng khác nào một chiến sỹ phải nghe mệnh lệnh của nhiều chỉ huy. "Ra trận” mà theo nhiều "lệnh”, đôi khi các lệnh đó không thống nhất giữa các cấp chỉ đạo cũng thực sự khó khăn cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
Tôi ví dụ như cơ chế tài chính chẳng hạn, qua nhiều cấp, nhiều khâu; thủ tục phiền hà, rắc rối. Cứu nạn phải đi ngay, không có thời gian xin xét duyệt này nọ. Không lẽ lúc đó mới đi xin tiền dầu, tiền trách nhiệm, phụ cấp đặc biệt hay xin chế độ chính sách cho người bị nạn... trong khi cứu nạn phải cấp bách. Còn nhiều sự bất cập khác nữa. Nếu không có tâm, có trí với nghề, cứu nạn cũng chỉ nửa vời, được chăng hay chớ.

Thiên họa đáng sợ, nhân họa thì khôn lường
Thưa ông, thiên tai hàng năm phải đối mặt thật đáng sợ. Nhưng đáng sợ hơn, đôi khi lại đến từ con người. Hiện nay, ngoài đối mặt với giông to bão lớn, tàu cá Việt Nam còn thường xuyên phải đối mặt với tàu lạ tấn công, phá hoại. Công tác cứu nạn do đó càng khó khăn gấp bội phần?
Đúng là thời gian gần đây, những người làm ngư nghiệp đối mặt với sự tấn công và phá hoại của tàu lạ, nhất là những khu vực đang "nhạy cảm” như tại Hoàng Sa và Trường Sa. Như tháng 2 vừa qua, có một vụ tàu Việt Nam bị tấn công trên tàu có 11 thuyền viên hay như tháng 6 trên tàu có 12 thuyền viên. Lúc đó, lực lượng cảnh sát biển phải ra ứng cứu.
Về luật, hoạt động cứu nạn trong bất kỳ trường hợp nào tại vùng biển nào phải được thực thi. Lúc ấy dù công dân nước nào cũng sẽ cần được cứu giúp nếu có thể, không phân biệt, dù vùng biển ấy đang là khu vực tranh chấp. Thiên họa đáng sợ, nhân họa thì khôn lường. Có những tàu lạ đâm chìm tàu bà con mình. Có nhiều trường hợp bà con vì thế mất tích không tìm được. Những tình huống ấy chúng ta phải cực lực lên án, dù đến nay chưa có cơ quan nào xác minh rõ đối tượng gây ra.

Liệu điều đó có ảnh hưởng tới công tác cứu nạn, thưa ông?
Không ảnh hưởng nhiều, vì tàu cứu nạn làm công tác nhân đạo nếu gặp cản trở, thì không chỉ Việt Nam mà cả cộng đồng thế giới sẽ lên án. Tuy nhiên, thấy bị nạn mà thực sự thương tâm. Cán bộ ra ứng cứu thực tâm cũng nhiều sự ẩn ức. Những câu hỏi hiển hiện dù biết rằng, sự trả lời bao hàm các nội dung vượt qua tầm suy nghĩ. Với chúng tôi, cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng nhất, cứu được người là may mắn nhất. Còn mọi việc như thế nào, chắc chắn trong tương lai sẽ sáng tỏ.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Theo Đại đoàn kết