13 tháng 6, 2012

Bảo đảm thông tin liên lạc: Ngư dân yên tâm bám biển

Thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, các tàu thuyền hoạt động trên biển không đảm bảo thông tin liên lạc thì nguy cơ mất an toàn cho tàu và ngư dân khai thác hải sản trên biển là khó tránh khỏi. Bảo đảm thông tin liên lạc trên biển sẽ giúp ngư dân yên tâm bám biển khai thác thủy hải sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo Quốc gia.

Trang bị kiến thức cho ngư dân
Hàng năm, Đài Thông tin duyên hải đem đến cho bà con ngư dân những thông tin liên lạc nhanh nhất và mang lại nhiều lợi ích nhất. Do đó, trang bị máy Icom sẽ giúp bà con ngư dân thu nhận được những thông tin về thời tiết, ngư trường trên tần số 7906 của hệ thống Đài Thông tin duyên hải. Mỗi năm, Đài Thông tin duyên hải Thừa Thiên Huế thu nhận khoảng 5-7 cuộc gọi cấp cứu khẩn cấp từ các tàu đánh bắt trên biển. Hàng ngày, có vài lượt tàu cá liên lạc về với gia đình xin hỗ trợ hậu cần, tìm hiểu thông tin thị trường, giá cả... Bên cạnh đó, hệ thống đài thông tin duyên hải phát tin dự báo thời tiết biển hàng ngày là 15 phút một lần (sáng từ 5h20 đến 9h20; chiều từ 17h20 đến 21h20); bản tin cảnh báo thiên tai phát 15 phút một lần, phát 24/24 giờ.
Hiện, toàn tỉnh có hơn 2.000 chiếc tàu thuyền khai thác thủy hải sản trên biển với hơn 6.000 lao động. Để giúp bà con ngư dân bảo đảm thông tin liên lạc trên biển, thời gian qua, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cấp 6 bộ ICom, 84 máy trực canh cho bà con ngư dân có hoàn cảnh khó khăn ở ven biển và đầm phá. Dự án Chương trình Sinh kế thủy sản hỗ trợ cho 5 xã Phú Thuận, Vinh Thanh (Phú Vang), xã Lộc Trì, thị trấn Phú Lộc (Phú Lộc) và xã Phong Hải (Phong Điền), mỗi xã một máy Icom tầm xa và 5 máy Icom tầm trung. Nhằm giúp bà con chủ động vào bờ khi thời tiết xấu xảy ra, năm 2011, Đài Thông tin duyên hải cung cấp cho bà con ngư dân hơn 4.000 thông tin; trong đó, khoảng 2.500 thông tin về thời tiết, 180 thông tin về diễn biến của các đợt không khí lạnh.... Nhờ vậy, bà con ngư dân đã yên tâm làm ăn, không còn lo sợ khi mùa mưa bão về.
Ông Lê Văn Thìn, chủ tàu đánh bắt thuỷ hải sản trên biển ở xã Phú Hải (Phú Vang) phấn khởi: Khi ở giữa biển khơi, nghe được các bản tin của Đài tiếng nói Việt Nam, bản tin Dự báo thời tiết biển của Đài Thông tin duyên hải, anh em tui định hướng được vị trí để lánh nạn khi thời tiết xấu. Khi có sự cố xảy ra, sóng điện đàm của Đài Thông tin duyên hải giúp bà con ngư dân vững tin hơn để giành giật sự sống trên biển; hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản”.

Cần có chính sách hỗ trợ ngư dân
Cuối năm 2011, Tập đoàn Viễn thông quân đội cung cấp gói cước Sea+ dành cho bà con ngư dân, với thông điệp “Cùng ra khơi”. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 16.000 ngư dân sử dụng gói cước này, giúp bà con yên tâm khai thác nguồn lợi thủy hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Gói cước này giúp bà con ngư dân liên lạc khoảng 50 hải lý. Hàng ngày, ngư dân được nhận tin nhắn dự báo thời tiết từ tổng đài Viettel gửi về.
Ông Lê Chí Trung, Giám đốc Đài Thông tin duyên hải Thừa Thiên Huế, đề xuất: “Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 50% tàu thuyền khai thác thủy hải sản trên biển có trang bị máy Icom, số còn lại bà con ngư dân chưa trang bị được. Vì thế, giúp bà con ngư dân đảm bảo thông tin liên lạc trên biển, Nhà nước cần hỗ trợ một phần giá cước và trang thiết bị. Địa phương nào bà con có trang bị máy ICom rồi thì hỗ trợ cước, địa phương nào ngư dân chưa có máy thì nên hỗ trợ kinh phí trực tiếp một lần để ngư dân sắm máy Icom. Tuy nhiên, để việc hỗ trợ được đồng đều cho từng địa phương, tổ đội và ngư dân thì cần có chiến lược dài hơi. Chính quyền địa phương cấp xã cần lập danh sách sắp xếp hoàn cảnh khó khăn của các gia đình. Sau đó, ngư dân được hỗ trợ theo dạng cuốn chiếu, Nhà nước và ngư dân cùng làm; trong đó, ngư dân bỏ ra kinh phí 30% hoặc 50% và phần còn lại là Nhà nước hỗ trợ. Đồng thời, cũng có kế hoạch cụ thể, bình quân mỗi năm hỗ trợ kinh phí bao nhiêu và bao nhiêu hộ được hỗ trợ. Làm được như vậy, là giúp bà con ngư dân tránh ỉ lại và phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà nước”.

Theo Thừa Thiên Huế Online