Vượt qua hải trình gần 400 hải lý, 7h00 sáng 4/5, tàu cá PY-92647 TS do anh Trần Văn Lực, 37 tuổi trú ở phường 6, TP Tuy Hòa làm thuyền trưởng đưa 7 người nước ngoài đã được cứu nạn giữa biển khơi vào đến cửa biển Đà Diễn, tỉnh Phú Yên.
Sau khi ca nô của Hải đội 2 đón vào cầu cảng, Đại tá Nguyễn Văn Minh - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Phú Yên bắt tay từng người và chỉ đạo các đồng sự đưa nhóm người nước ngoài về khách sạn Hồng Hải ở phố Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa.
Qua người phiên dịch, Đại tá Minh chia sẻ, động viên những người được cứu nạn và đề nghị họ hợp tác với nhà chức trách Việt Nam, cung cấp đầy đủ, chính xác những thông tin về tên tuổi, quốc tịch, sự cố bị nạn trên biển…
Ông M.Khorshed Alam, 48 tuổi quốc tịch Bangladesh thay mặt nhóm người nước ngoài bày tỏ: “Chúng tôi thật sự cảm ơn những người đã cứu nạn, chăm sóc và sự đón tiếp giàu tình nhân ái của nhà chức trách Việt Nam. Nếu không có ngư dân Việt Nam cứu giúp kịp thời, sinh mệnh bảy người chúng tôi khó hy vọng còn sống sót, vì thời điểm đó nước uống không còn, có người đã kiệt sức”.
Theo các tài liệu ông Alam và 6 cộng sự cung cấp cho thấy, nhóm người này là thủy thủ tàu biển WANTAS 6 của hãng Wantas Shiping SDN BHD do đại lý hàng hải Maju Enterprise khai thác vận tải. Theo hộ chiếu họ xuất trình, có 2 người quốc tịch Malaysia, 2 người Bangladesh và 3 người Indonesia. Hành trình tàu WANTAS 6 kết nối giữa cảng cá Kuala Kedah nằm ở cửa sông Kedah - Malaysia với Tawau ở bờ biển phía Đông Nam và thành phố lớn thứ ba ở Sabah - Malaysia từ ngày 3/4.
Ông Alam cho hay, trong lúc ông cùng các cộng sự đang vận hành tàu biển ngoài khơi Malaysia vào ngày 19/4 thì bị một nhóm hải tặc bất ngờ ập tới dùng vũ khí khống chế cướp tàu, 7 người bị đẩy xuống chiếc bè phao rộng khoảng 10m2, có mái bạt che nắng và dầm chèo bằng chất dẻo. Sau 11 ngày trôi dạt trên biển, một ít lương khô, nước uống trên bè phao hết sạch. Giữa lúc người trẻ tuổi nhất là Yusberi Bin Yusuf, 20 tuổi quốc tịch Malaysia đã đuối sức, vài người khác có dấu hiệu mệt mỏi, thất vọng, thì vận may đã đến…
Anh Trần Văn Lực - thuyền trưởng tàu cá PY-92647 TS kể lại: “Tôi cùng 8 ngư dân rời cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa vào ngày 21/4. Ngoài lương thực, thực phẩm còn có nhiên liệu, đá lạnh ướp cá… với tổng chi phí hàng trăm triệu đồng cho chuyến đi câu cá ngừ đại dương một tháng. Khoảng 9h30 trưa 30/4, trong lúc đang buông câu ở vị trí 7 độ 20N - 111 độ 55E - cách quần đảo Trường Sa về phía Nam khoảng 80 hải lý, chúng tôi nhìn thấy một vật thể lạ trôi dập dềnh trên sóng nước cách xa hơn nửa hải lý. Lúc đầu tôi nghĩ đó là vật dụng hư hỏng của tàu vận tải biển vứt bỏ, nhưng khi khoảng cách rút ngắn còn gần 500m, tôi nhìn thấy hai người từ bè phao bơi ra vẫy tay cầu cứu. Tôi vội vã lái tàu tiếp cận cứu vớt 2 người này và 5 người nữa lên tàu PY-92647 TS”.
Cùng với việc chăm sóc sức khỏe nhóm người nước ngoài, anh Lực khẩn báo cho Đài thông tin duyên hải Nha Trang và BĐBP Phú Yên. Dù bất đồng ngôn ngữ, nhưng nhóm người nước ngoài chủ động đưa ra hộ chiếu, đồng thời xin được đàm thoại bằng Anh ngữ với trực ban Đài thông tin duyên hải Nha Trang. Qua đó anh Lực cùng các đồng nghiệp mới biết họ bị hải tặc tấn công.
Vào thời điểm đó, tàu PY-92647 TS chỉ mới câu được 10 con cá ngừ đại dương và chuyến biển vẫn còn 20 ngày nữa, nhưng anh Lực vẫn quyết định rời ngư trường rạng sáng 1-5, đưa nhóm người nước ngoài vào đất liền. Sau khi về khách sạn nghi ngơi, sinh hoạt, 7 người nước ngoài đã được Sở Y tế, BĐBP Phú Yên khám sức khỏe, cấp phát quần áo và vật dụng sinh hoạt.
Đại tá Nguyễn Trọng Huyền - Chỉ huy trưởng BĐBP Phú Yên cho biết: “Chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh Phú Yên, Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam về vụ việc tàu đánh cá PY-92647 TS của ngư dân Phú Yên cứu nạn nhóm người nước ngoài trên biển. Các cơ quan thẩm quyền cũng đã thông báo cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Indonesia, Malaysia, Bangladesh tại Việt Nam để phía bạn phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhóm người nước ngoài sớm hồi hương theo đúng pháp luật Việt Nam và các quy định về ngoại giao”.
Theo CAND