Trong nhiều trường hợp tàu cá của ngư dân gặp sự cố trên biển thì ranh giới giữa cứu nạn và cứu hộ rất mỏng manh. Quan điểm chỉ đạo của Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn là phải cứu cả người lẫn tàu!
Đại tá Nguyễn Quốc Bình, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đà Nẵng cho hay, theo Nghị định 118/CP về cứu hộ, cứu nạn trên biển cùng các văn bản liên quan về chính sách hỗ trợ thì cứu nạn là trong trường hợp thời tiết khẩn cấp, nguy hiểm và do nhà nước chi trả chi phí, còn cứu hộ là do người yêu cầu cứu hộ trả kinh phí.
Thực tế cho thấy, nhiều khi tàu cá gặp sự cố (như hỏng máy) cách bờ vài trăm hải lý trong điều kiện thời tiết bình thường, trên tàu có vài chục ngư dân. Cơ quan phòng chống lụt bão (PCLB) xác định đây không phải trường hợp cứu nạn mà chỉ là cứu hộ vì thời tiết không nguy hiểm. Do vậy các tàu tham gia ứng cứu sẽ không được hỗ trợ kinh phí.
Trong khi đó, ngư dân không có khả năng chi trả tiền cứu hộ. Nếu cơ quan chức năng cứ đòi cứu hộ mà không cứu nạn thì tàu cứ trôi trên biển, đến khi hết nhiên liệu, lương thực, thực phẩm thì lại phải... cứu nạn. Vấn đề là đến lúc đó thì sự việc đã trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều đối với tính mạng và tài sản của ngư dân.
Sau khi tiếp nhận phản ảnh này tại buổi làm việc với lãnh đạo Đà Nẵng về công tác PCLB, tìm kiếm cứu nạn năm 2012 hôm 10/5 (Infonet đã đưa tin), Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phó Trưởng Ban chỉ đạo PCLB TƯ cũng cho rằng, đối với các trường hợp tàu cá của ngư dân gặp sự cố trên biển thì ranh giới giữa cứu nạn và cứu hộ rất mỏng manh.
"Nếu các lực lượng chức năng chỉ đòi cứu nạn mà không cứu hộ thì không được. Mỗi tàu cá là cả gia tài đối với ngư dân, khi gặp sự cố chết máy phải thả trôi trên biển thì không bao giờ người ta bỏ sang tàu cứu nạn mà vứt tàu cá đó đi. Nếu các lực lượng chức năng không cứu hộ, để tàu cá chết máy trôi thêm một thời gian, gặp sóng to gió lớn dẫn tới chìm tàu thì thiệt hại càng nghiêm trọng" - Trung tuớng Trần Quang Khuê nói.
Theo ông, quan điểm chỉ đạo của Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn là phải cứu cả người lẫn tàu. Chỉ khi nào tàu bị chìm không thể cứu được thì mới chỉ cứu người, còn nếu tàu cá bị chết máy trong điều kiện thời tiết bình thường, dù sau này người ta không trả tiền cứu hộ thì vẫn phải cứu cả người lẫn tàu. "Từ nay về sau, gặp những trường hợp này thì tàu hải quân, cảnh sát biển, biên phòng, trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải... đều phải thực hiện tốt chỉ đạo này!" - Trung tướng Trần Quang Khuê nhấn mạnh.
Theo Đại tá Nguyễn Quốc Bình, khi có tàu ngư dân bị nạn trên biển, nếu điều động tàu tìm kiếm cứu nạn SAR của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải từ trong bờ ra cứu thì mỗi lần phải mất vài trăm triệu đồng. Nhưng nếu huy động 3 - 4 tàu cá khác đang hoạt động gần đó đến cứu kéo thì vừa kịp thời mà phí tổn chỉ bằng 1/10, thậm chí 1/100. "Việc sử dụng nguồn lực tại chỗ bao giờ cũng thuận lợi và tiết kiệm hơn rất nhiều, đây là thực tế chứ không phải nói theo sách vở!" - Đại tá Nguyễn Quốc Bình nói.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần có chính sách hỗ trợ hợp lý cho ngư dân tham gia cứu kéo tàu bị nạn vào bờ. Nếu có cơ chế, chính sách rõ ràng thì khi cơ quan chức năng yêu cầu, ngư dân sẽ kéo ngay. Nhưng trên thực tế, không ít trường hợp ngư dân bỏ cả chuyến biển tốn kém rất lớn để cứu kéo tàu bị nạn, đến khi vào bờ chờ nhận vài đồng bạc hỗ trợ của nhà nước lại hết sức khó khăn nên lần sau không thể huy động họ được. Nếu có gọi thì họ "né", bảo là không ở chỗ đó...
"Chúng tôi cho rằng Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và các ngành hữu quan TƯ cần nghiên cứu vận dụng cơ chế chính sách để trong những trường hợp cụ thể thì có những khoản kinh phí hỗ trợ thích đáng nhằm khuyến khích ngư dân tham gia Tìm kiếm cứu nạn trên biển" - Đại tá Nguyễn Quốc Bình kiến nghị.
Trung tướng Trần Quang Khuê xác nhận, có nhiều tàu cá khi gặp sự cố trên biển mới liên lạc với đài canh của biên phòng, hải quân, cảnh sát biển... Còn khi không có vấn đề gì thì tắt máy Icom không liên lạc, hoặc biên phòng có gọi thì họ cũng không lên máy. Vì "kinh nghiệm" cho họ thấy, thường mỗi lần biên phòng gọi đến là lại huy động đi cứu nạn. Tuy đây là trách nhiệm nhưng do chính sách của nhà nước chưa đầy đủ nên không bù đắp được cho ngư dân những thiệt hại khi phải bỏ việc để đi tham gia cứu nạn.
"Ở đây có hai mặt. Một mặt là nhà nước phải có biện pháp chế tài để buộc ngư dân phải có trách nhiệm tham gia cứu nạn trên biển. Nhưng mặt khác phải có chính sách để bù đắp tương xứng cho ngư dân những thiệt hại khi phải ngừng sản xuất để đi cứu nạn. Nếu khi sản xuất ngư dân được cái gì thì khi họ đi cứu nạn ta phải bù đắp cho họ cái đó!" - Trung tướng Trần Quang Khuê nói.
Theo Xã luận