Chỉ trong tích tắc, con tàu đánh cá cùng 11 ngư dân bị trận lốc xoáy kinh hoàng nhấn chìm. 3 ngư dân tử nạn đều là cha con, anh em. Người thoát nạn vẫn chưa bàng hoàng, không tin vào việc mình được cứu sống khi lênh đênh trên biển.
Vào khoảng 2h sáng ngày 21/4 (ngày mồng 1 âm lịch), con tàu mang số hiệu NA – 2405 TS khi trên đường vào bờ thì bị gặp lốc xoáy nhấn chìm, 3 người tử vong. Đến ngày 24/4, cả 3 thi thể đã được tìm thấy là ông Trần Văn Hội (SN 1970 – chủ tàu) là cha nạn nhân Trần Đình Quỳnh (SN 1992) và Lê Công Thành (SN 1987) lấy em vợ thuyền trưởng.
Đại tang ập đến xã Quỳnh Lập, chỉ trong 4 ngày có 5 người tử nạn liên quan đến biển (2 học sinh chết đuối ngày 23/4).
Đêm định mệnh
Trong số 8 người sống sót, anh Trần Văn Diễn là một trong số đó. Anh nhớ lại giây phút tàu chìm trong hoảng loạn.
Trước đó, ngày 12/4, con tài NA – 2405 TS do ông Trần Đình Hội làm chủ tàu cùng 10 người khác có quan hệ cha con, anh em với nhau nhổ neo ra khơi đánh cá. Sau 7 ngày đánh cá tại vùng biển Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, đến ngày 19/4 do lưới bị dính vào đá ngầm rách nát, nên thuyền trưởng quyết định hướng tàu trở về đất liền.
Con tàu hướng về quê mẹ, bầu trời bình yên, biển vẫn lặng như bao ngày ra khơi khác…Chỉ đến lúc, cách nhà chừng 4 hải lý (gần 8km) và cách bờ 2 hải lý, tại địa điểm đầu vào lạch Cờn, xã Quỳnh Lập, bất ngờ giông tố, lốc xoáy đánh úp cả con tàu cùng 11 ngư dân xuống biển.
Anh Diễn là con trai sinh đôi của chủ tàu nhớ lại: “Khi đó khoảng 2h kém ngày 21/4, lốc xoáy, kèm theo mưa đánh úp cả con tàu. Từng đợt sóng tràn qua tàu, lúc đó bố em biết chắc là tàu sẽ chìm, nên bố nói: “Tất cả anh em lấy áo phao sẵn sàng nhảy xuống biển. Tàu chắc chắn sẽ chìm,…”. Đó là lần cuối cùng, người con trai sinh đôi của ông Hội nghe tiếng bố ra hiệu lệnh.
Vật lộn với tử thần…
Lúc này, anh Diễn vừa bước ra cửa khoang máy, kịp cầm được 3 chiếc áo phao thì tàu đã bị nước nhấn chìm. Một màu đen u ám phủ lấy cả vùng biển rộng lớn, anh Diễn gọi bố và anh trai trong vô vọng: “Bố ơi, anh ơi - áo phao đây”. Nhưng tuyệt nhiên không có ai trả lời.
Lênh đênh trên biển, chừng 30 phút sau khi con tàu gặp nạn, dù trời tối đen như mực, nhưng các thuyền viên bị trôi dạt vẫn cố gắng kêu cứu, dù tiếng kêu yếu ớt và lọt thỏm giữa biển nước mênh mông.
Lúc trôi dạt, anh Diễn gặp 4 người trên thuyền cũng đang lênh đênh là anh Trương Văn Lý, Hoàng Văn Kim, Trương Đình Hiếu, Hồ Văn Thế. Họ cùng kết lại với nhau, phó mặc cho số phận…
Cũng may, do nhảy xuống tàu sau cùng nên anh Diễn cầm được 3 chiếc phao. Anh kể: “May có 3 chiếc phao, 5 anh em xoay lại thành một vòng tròn. Khoảng 2 giờ lênh đênh trên biển, anh em đều lần lượt bị chuột rút. Ai cũng nghĩ mình sẽ chết, rồi người này lấy tay bóp chân cho người kia, nhưng chân vẫn cứng đơ vì dưới nước lạnh cắt da, cắt thịt.
“Nói thật, chúng tôi không nghĩ mình sẽ sống sót trở về. Ai cũng động viên nhau, nếu ai may mắn sống sót trở về thì hãy cố gắng chăm sóc, động viên vợ con, cha mẹ già cho người chết ra đi yên tâm.
Có người còn nói: không biết mình còn cơ hội nhìn thấy mặt trời nữa hay không ?” - anh Trương Văn Lý nhớ lại những giây phút tuyệt vọng trên biển.
Thế nhưng khoảng 6h sáng cùng ngày, 2 thuyền viên đầu tiên được tàu đánh cá của ngư dân xã Quỳnh Tiến vớt lên là anh Trương Quang Tùng và Lê Hội Tứ. Ngay sau đó, công việc cứu hộ được triển khai trên diện rộng để tìm kiếm 9 thuyền viên còn lại.
Riêng nhóm 5 anh em thuyền viên gồm: Diễn, Lý, Kim, Hiếu, Thế; đến tận 9 sáng mới được thuyền ông Hồ Văn Vui tìm được và cứu sống. Sau 7 giờ đồng hồ, khi được vớt lên tàu, 2 người gặp nạn đã ngất xỉu vì kiệt sức.
Đói và rét, trên tàu lại không có cái để ăn. Các thuyền viên được cứu phải bốc vốc gạo trắng trộn với muối, ăn vội vàng để chống đói và lạnh.
Có nỗi đau nào hơn thế !
3 người chết đã được tìm thấy. Nhưng nỗi đau người ở lại thì không thể nào lột tả hết. Con tàu ngày nào mạnh mẽ cắn sóng ra khơi, nay tan tành dưới trận lốc xoáy kinh hoàng đêm ấy.
Mấy ngày qua, không khí tang tóc bao trùm lên cuộc sống của người dân xã Quỳnh Lập và gia đình những nạn nhân trên con tàu đắm. Bà Trương Thị Nga (SN 1971), vợ chủ tàu đã mất người chồng tần tảo, người con trai chăm chỉ theo cha ra biển khơi lập nghiệp.
Người mất, con tàu nát, bà Nga mấy hôm nay khóc cạn nước mắt và nằm bệt đi dưới nền nhà. Liên tục được tiêm thuốc, truyền nước để cứu lấy người đang sống vượt qua nỗi đau ngoài tưởng tượng.
Trong không gian lạnh lẽo, khói hương nghi ngút, bà Nga vẫn thều thào những câu nói thảm: “Anh ơi, sao anh và con lại bỏ em đi. Em không cần của đâu, em chỉ cần anh và con về với mẹ con em…Anh Hội ơi…”.
Chỉ trong vòng 2 ngày, gia đình bà Nga đã phải tiễn đưa 2 đám tang. Buổi chiều tiễn đưa người con trai song sinh là Trần Đình Quỳnh (em trai là Trần Đình Diễn thoát nạn). Ngày hôm sau, gia đình và bà con lối xóm lại rồng rắn tiễn đưa ông Hội và anh Thành về nơi yên nghỉ cuối cùng. Ai cũng bảo, có nỗi đau nào hơn thế !
Trong câu chuyện với chúng tôi, người thân trong gia đình bà Nga cho biết: con thuyền của ông Hội từng được “phong tặng” là một trong những con tàu đánh bắt cá giỏi nhất của xã Quỳnh Lập và được UBND tỉnh ghi nhận.
Để có được con tàu NA - 2405 TS, gia đình bà Nga - ông Hội đã gom góp cùng 4 gia đình khác, vay ngân hàng và vay lãi nóng để mua tàu vào năm 2009. Đến nay, số tiền nợ lên đến gần 1 tỷ đồng, số tiền thuê thợ lặn, trục vớt tàu là hơn 100 triệu đồng.
Xa xa ở phía góc nhà, người vợ trẻ bế con đứng bên cửa sổ nhìn ra biển khơi. Đó là chị Trương Thị Thương, vợ anh Lê Công Thành là cọc chèo với thuyền trưởng bị tử nạn. Sự ra đi của anh, để lại người mẹ già, người vợ côi cút và đứa con thơ Lê Thị Hà vừa tròn 2 tuổi.
Chúng tôi hiểu, lúc này gia đình bà Nga, chị Thương đang cần lắm sự chung tay của bạn đọc gần xa chia sẻ, để sớm vượt qua thời khắc đau thương này.
Theo Vietnamnet