17 tháng 5, 2012

Phòng tránh tai nạn trên biển

Theo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, thời gian qua, hàng loạt vụ tai nạn tàu đánh cá trên biển đã xảy ra, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của bà con ngư dân. 

Nguyên nhân của các tàu cá gặp nạn trên biển chủ yếu là do ngư dân chủ quan, thiếu kiến thức về tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Phần lớn tàu cá có công suất nhỏ, sức chịu đựng sóng gió yếu nhưng lại đánh bắt rất xa bờ, bởi vậy khi gặp bão, áp thấp nhiệt đới không kịp tìm nơi tránh gió và trú ẩn an toàn. Mặt khác, các trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải, dù nhận được thông tin kêu cứu nhưng không đủ nhiên liệu cũng như thời gian để hỗ trợ kịp thời.
Qua khảo sát thống kê cho thấy, hơn 60% các vụ tàu cá bị nạn là do hỏng máy. Các tàu đánh bắt xa bờ, hoạt động dài ngày trên biển, máy móc thường trong trạng thái hoạt động liên tục. Do chủ quan, thiếu hiểu biết hoặc muốn cắt giảm chi phí nên chủ tàu không thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, xem nhẹ việc chuẩn bị phụ tùng dự trữ và các phương án sửa chữa trước mỗi chuyến đi biển. Hệ quả của việc chủ quan này là nhiều tàu cá bị chết máy, vỡ hộp số, gãy trục, rơi chân vịt, hỏng bánh lái… và dẫn tới bị nạn.
Để khắc phục phần nào tai nạn trên biển cho ngư dân, các cơ quan chức năng cần phối hợp với các địa phương mở lớp tập huấn bồi dưỡng cho ngư dân kiến thức cần thiết về tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; quản lý chặt chẽ số lượng tàu thuyền đi biển, nhất là trong điều kiện thời tiết xấu. Các cơ quan đăng kiểm nên đột xuất kiểm tra chất lượng kỹ thuật của các tàu, chú trọng kiểm tra hệ thống thân vỏ, máy tàu, hệ thống thông tin liên lạc… và các trang bị bảo đảm khác. Khi xảy ra sự cố, thuyền trưởng cũng như thủy thủ cần liên lạc ngay với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải trong khu vực, đồng thời phát tín hiệu để kêu gọi sự hỗ trợ của các tàu xung quanh. Bên cạnh đó, cần nhân rộng mô hình khai thác và tiêu thụ hải sản trên biển “tàu mẹ - tàu con” đang được thực hiện rất hiệu quả tại Khánh Hòa (mô hình này giúp các tàu đánh bắt xa bờ có thể hỗ trợ cho nhau khi có tình huống tai nạn xảy ra).
Giảm thiểu tai nạn trên biển, giúp ngư dân bám biển làm giàu, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là trách nhiệm của toàn xã hội, tuy nhiên, trước hết vẫn là các chủ tàu, đơn vị, địa phương quản lý ngư dân.

Theo qdnd.vn