25 tháng 4, 2012

Cấp cứu ngư dân bị nạn trên biển - Nước xa khó cứu lửa gần

Liên tục trong thời gian gần đây, nhiều ngư dân miền Trung khi đang hành nghề trên biển bị tai nạn hay đổ bệnh đột ngột, đa phần đều tử vong trước khi các phương tiện cứu hộ, cứu nạn tiếp cận. Vấn đề này đang đặt cho các cấp, ngành chức năng cần nghiên cứu thay đổi phương cách cứu hộ, cứu nạn sao cho phù hợp, hữu hiệu hơn.

Những cái chết oan uổng
Cái chết của ngư dân Huỳnh Văn Bịch (SN 1966, trú tại phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) hồi giữa tháng 4 vừa qua một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những bất trắc mà ngư dân đang đối mặt.
Ông Đỗ Nở, thuyền trưởng tàu ĐNa 36358, nhớ lại: Lúc đó khoảng 2 giờ sáng 12-4, tàu chúng tôi đang hoạt động tại tọa độ 16039’ vĩ Bắc - 108001’ kinh Đông thì bất ngờ anh Bịch ngất xỉu. Ngay lập tức chúng tôi gọi điện cấp cứu cho Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực 2 (Danang MRCC) để đưa tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 412 cùng với bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu TP Đà Nẵng (115) ra cứu nạn. Hơn 3 giờ sau, tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 412 mới tiếp cận được tàu chúng tôi, lúc đó đã quá muộn.
 Thảm hơn là cái chết của ngư dân Phan Anh Vũ (40 tuổi, trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) xảy ra hôm 11-2. Thuyền trưởng tàu QNa 92454 Trần Văn Nhân kể: Lúc đó tàu chúng tôi đang câu mực khơi tại khu vực cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 40 hải lý thì anh Vũ bị đau bụng dữ dội và nôn ra máu. Ngay lập tức, tôi liên lạc với Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam nhờ hỗ trợ, đưa tàu ra cấp cứu. Tôi quyết định cho tàu quay vào đất liền để đón tàu cứu nạn của bộ đội biên phòng đang chạy ra. Thế nhưng, suốt 3 ngày, 2 tàu vẫn chưa gặp được nhau, đến ngày 14-2 thì Vũ qua đời.
Ông Nguyễn Văn Cồn B, Thuyền trưởng tàu ĐNA 90039 (quận Thanh Khê, Đà Nẵng), cho rằng: Chỉ cần một sơ suất nhỏ hay đổ bệnh đột ngột thì tính mạng xem như “treo trên ngọn sóng”. Hầu hết ngư dân miền Trung nói riêng và cả nước nói chung không được trang bị những kiến thức y tế để sơ cấp cứu cũng như trang thiết bị y tế cần thiết, nên khi gặp tình huống xấu chỉ còn biết quay thuyền chạy thật nhanh vào bờ và gọi ứng cứu từ các cơ quan chức năng, ngoài ra không còn cách nào khác.
Ông Cồn B có lẽ đã quên trường hợp tàu ĐNA 90152 của anh Đỗ Văn Xin (Đà Nẵng) vào năm 2005 ở vùng biển Hoàng Sa. Lần đó, thuyền viên Nguyễn Minh Thọ (Thăng Bình, Quảng Nam) bị đau ruột thừa trên tàu. Sau khi gọi về đất liền, Bộ Ngoại giao đã liên lạc với Trung tâm Tìm kiếm cứu hộ quốc tế đóng ở Hồng Công nhờ giúp đỡ. Chỉ sau mấy giờ, đơn vị này cho trực thăng đến đưa Thọ về Hồng Công chữa trị nên đã giữ được tính mạng. Đáng tiếc, trường hợp của Thọ gần như là ca cấp cứu bằng trực thăng duy nhất mà ngư dân miền Trung được hưởng khi đổ bệnh giữa biển khơi.

Tự cứu nhau là chính
Bác sĩ Nguyễn Tấn Phó, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng, người đã nhiều lần theo thuyền ra cấp cứu cho ngư dân ngoài khơi, cho biết, khi gặp nạn, ngư dân thường gọi về cho Danang MRCC, sau đó, trung tâm này kết nối với Trung tâm Cấp cứu 115 và các bác sĩ bắt đầu hướng dẫn ngư dân tự sơ cứu qua điện thoại. Vì thế, hầu như ngư dân khắp miền Trung, từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa đều gọi 115 Đà Nẵng giúp đỡ.
Thế nhưng, BS Ngô Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc 115 Đà Nẵng, khẳng định: “Trong điều kiện bệnh viện với thiết bị đầy đủ, hiện đại, làm việc trực tiếp, việc chẩn đoán còn khó khăn huống chi qua điện thoại câu được câu mất. Nếu có đủ điều kiện như thiết bị liên lạc vệ tinh, rồi có trực thăng sẵn sàng đưa bác sĩ đi cứu hộ, có thể nói, những cái chết của ngư dân trên biển sẽ được hạn chế rất nhiều”.
Ông Trần Văn Long, Giám đốc Danang MRCC, thừa nhận, mặc dù đã có nhiều cải tiến, cố gắng trong công tác cứu nạn ngư dân trên biển nhưng với điều kiện như hiện nay thì việc cứu nạn xem ra chỉ là ứng phó. Ngư dân miền Trung hoạt động trên vùng biển rộng hàng ngàn kilômét vuông, trong khi đơn vị chỉ có phương tiện là tàu tìm kiếm cứu nạn nên khi nhận được tín hiệu cấp cứu có chạy hết tốc lực cũng mất gần chục giờ, thậm chí vài ngày mới đến thuyền gặp nạn. Chính vì vậy, hầu hết những trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn nghiêm trọng đều chết trước khi tàu cứu nạn tiếp cận. “Chỉ có trang bị máy bay trực thăng thì mong ra việc cấp cứu ngư dân trên biển mới có thể kịp thời” - ông Long cho biết.
Ngoài phương tiện cấp cứu còn nhiều yếu kém thì ý thức của ngư dân trong việc bảo vệ sức khỏe cho chính mình cũng bị xem nhẹ. “Chúng tôi nhiều lần đề nghị nên mở những lớp hướng dẫn sơ cấp cứu cho thuyền trưởng, thuyền viên lúc ngư nhàn, rồi trang bị dụng cụ y tế, thuốc men trước khi ra khơi. Tuy nhiên, thiếu kinh phí vẫn là câu chuyện muôn thuở và tính mạng của ngư dân vì thế cũng treo trên đầu ngọn sóng” - BS Phương Thảo kết luận.

Theo SGGP