18 tháng 4, 2012

Cấp cứu bằng phao cứu sinh EPIRB

Thủy thủ hoặc tàu thuyền không may bị nạn, do đắm tàu hay rơi xuống biển, lâu nay vẫn có một thiết bị hàng hải, đó là máy thu phát điện tử nhỏ, gọi là phao đèn EPIRBs được kích hoạt.

Nó báo hiệu cho cơ quan cứu hộ vị trí, thời gian người bị nạn. Tin tức về tọa độ nơi bị nạn được truyền cho cả hệ thống tàu thuyền trong khu vực bằng tần số riêng, từ các đài trực canh thông tin duyên hải của hệ thống Cospas-Sarsat. (Người dùng phao đăng ký với cơ quan Hàng hải Úc, hệ thống Cospas-Sarsat).
Phao đèn EPIRB SEP-406 thường được phòng hộ trong các tàu, thuyền. Khi rơi xuống nước, kích hoạt pin. Nó làm việc ở tần số 406 MHz. Ngay sau đó máy phát đi tín hiệu tới vệ tinh. EPIRB SEP-406 phát tín hiệu liên tục trong 48 giờ ở nhiệt độ -20oC và 80 giờ ở nhiệt độ +20oC; Pin Lithium của phao được thay thế sau 4 năm khai thác. Nó có một dây buộc để bảo đảm không chìm.
Thông thường, phao đựng trong hộp có gắn bộ nhả thủy tĩnh lắp ở thành tàu, sơn màu vàng, cam.  Theo cơ chế kích hoạt tự động, khi tàu chìm xuống một độ sâu nhất định khoảng 3 - 4m, chốt của bộ nhả thủy tĩnh sẽ bật ra do áp lực của nước, phao được đẩy ra và nổi lên trên mặt nước. Lúc này, nước biển sẽ làm chức năng như một dây dẫn điện nối 2 cực phao lại, phao kích hoạt. Cơ chế kích hoạt bằng tay của phao EPIRB SEP-406 dựa trên nguyên tắc “công tắc từ tính”.
Trong trường hợp cần kích hoạt phao với mục đích báo nạn, người sử dụng chỉ cần rút dây chốt, công tắc kích hoạt trên phao sẽ khởi động và phát đi tín hiệu báo nạn, lúc này trên mặt phao sẽ có 03 đèn sáng. Đèn chỉ số 406 MHz sáng nhấp nháy, chỉ báo việc phát tín hiệu báo nạn đang hoạt động tốt. Đèn chỉ số 121.5 MHz sáng nhấp nháy, chỉ báo tần số phát đáp trên phao đang hoạt động tốt. Tín hiệu này là tín hiệu được dùng cho công tác tìm kiếm cứu nạn. Còn 1 đèn báo tín hiệu thử “nguội”.
Nơi phạm vi con tàu hoạt động, hay trong đại dương bao la rộng lớn, nhất là khi đêm tối, sóng to, gió lớn, việc tìm thấy phao để cứu người gặp nạn là rất khó khăn. Do đó phao luôn phải bảo đảm chất lượng tốt, để phát đi tín hiệu SOS.
Trong các phao bè cứu sinh, EPIRB SEP-406 thường được gắn liền. Ở đó có các vật dụng khác như đèn pin, dao, lưỡi câu, lương khô, nước ngọt, pháo hiệu màu… giúp người bị nạn sinh hoạt trong thời gian nhất định, chờ cứu.
Đặc biệt, phao của hệ thống Cospas-Sarsat còn được ứng dụng cho ngành Hàng không và trên đất liền, có thể vị trí phao báo nạn nằm khuất trong rừng rậm hay khe núi, mây mù dày đặc, bùn bẩn, ẩm thấp… Vì thế, đội tìm kiếm cứu nạn khi đã khoanh vùng theo vị trí báo nạn của phao, phải sử dụng thêm một thiết bị thu tín hiệu trên tần số 121.5 MHz để xác định chính xác vị trí của phao để cứu nạn.
Ngành hàng hải các nước, hoặc cơ quan tìm kiếm cứu nạn quốc gia luôn có điện thoại trực canh liên tục từ Trung tâm thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat.

Theo baodientu.chinhphu.vn