Hai ngư dân bị nạn tại đảo Song Tử Tây - Trường Sa được các chiến sĩ quân y sơ cứu và vận chuyển vào đất liền bằng trực thăng. Hai ngư dân này bị chấn thương nặng và có nguy cơ tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.
Thượng tá Ngô Vi Sơn, phi công sư đoàn 370 cho biết: "Chúng tôi được lệnh cất cánh từ sân bay Cần Thơ đến đảo Song Tử Tây và hạ cánh lúc 12h30. Đường xa, thời tiết phức tạp, chúng tôi phải cố gắng tìm mọi phương pháp để chuyến đi đảm bảo an toàn".
Việc vận chuyển bệnh nhân bằng trực thăng vào đất liền gặp rất nhiều khó khăn vì khi ở trên cao, bệnh nhân dễ thiếu oxy, vết thương dễ bị hoại tử. Để vận chuyển bệnh nhân từ đảo Song Tử Tây về Ninh Thuận phải mất 5 tiếng và trong suốt quá trình bệnh nhân phải thở oxy liên tục. Các bác sĩ phải lường trước tất cả các khả năng và thông tin liên tục với đất liền để xử lý mọi tình huống khi có bất trắc xảy ra. Chỉ một sai sót nhỏ trong quá trình vận chuyển bệnh nhân cũng dẫn tới nguy cơ tử vong.
Trung tá Lý Hữu Lộc, Bác sĩ Viện 121 Quân khu 9 cho hay: "Có bệnh nhân trong tình trạng rất nặng, trong quá trình vận chuyển chúng tôi hồi sức tích cực để chuyển bệnh nhân về đất liền an toàn."
Tại các đảo, do thiếu cán bộ y tế và trang thiết bị đầu tư y tế chưa được đầu tư nhiều nên chủ yếu dựa vào lực lượng quân y đóng tại đây. Việc vận chuyển cấp cứu thành công những ca bệnh vừa về đất liền đã mở ra một hướng mới đối với ngành y tế và sự phối hợp chặt chẽ giữ Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng trong công tác chăm sóc người dân.
Được biết, Bộ Y tế và Bộ Quốc Phòng đang xây dựng đề án "Phát triển y tế biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030" có ý nghĩa chiến lược nhằm phục vụ chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2020, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và sẵn sàng ứng phó với thiên tai, thảm họa trên biển.
Theo VTV