Chị Trần Thị Nhẫn nhẫn nại ngồi trước doi cát từ canh khuya đến mặt trời đứng bóng, đầy nước mắt, đau đáu lo cho 3 chiếc tàu bạc tỉ của gia đình đang mắc cạn giữa cửa biển Đà Diễn (Phú Yên).
Cũng ở nơi ấy, thời gian ấy, máy bộ đàm của trạm hoa tiêu dân lập - mà bà con gọi là “mắt biển” - đang liên tục “réo”, hướng dẫn từng con tàu luồn lách “vượt cạn”...
Tàu cá mắc cạn bị chìm nửa thân tàu ở cửa biển Đà Diễn. |
Lo tàu “đứng bánh” giữa cửa biển
Tháng giêng động dài, tháng hai động tố, tháng ba nồm rộ...”, dù đã đầu tháng ba âm lịch, biển Phú Yên vẫn còn “động tố”, vẫn sóng bủa trắng bờ, khiến cửa biển Đà Diễn vốn đã bị bồi lấp, càng dày thêm cát đụn! Bình minh, mặt biển dãn ra. Hàng trăm người, kể cả người già, đàn bà, con gái và những em thơ đen trùi trũi ở các làng biển Phú Câu, Đông Tác táo tác lao về phía biển. Họ bày biện mâm cỗ cúng vái “Thần Nam Hải” phù hộ cho hàng trăm con tàu được “thoát hiểm” khỏi vùng cạn. Họ chèo thúng, quăng dây thừng, đánh vật trên cát cháy bỏng, hì hục cùng nhau kéo từng chiếc tàu đang “đứng bánh” giữa cửa biển. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo bạc, nhưng vẫn không cứu được chiếc tàu đang nghiêng chìm...
Chị Trần Thị Nhẫn phờ phạc, tóc xõa lòa xòa trước sóng, chỉ tay về phía cửa biển, nói: “Đấy, 3 chiếc tàu của mấy anh em trong gia đình mắc cạn từ chiều hôm qua tới chừ. Tàu ra khơi ròng rã cả tháng đánh bắt được con cá đã vất vả, đến khi trở về cảng lại liên tục bị nạn, càng vất vả hơn. Nếu lỡ thêm một lần tàu thuyền hư hỏng, hoặc lật chìm, thì gia sản cùng hàng tấn hải sản tan theo bọt biển!”... Thêm một lần tàu mắc nạn..., tôi sợ chị Nhẫn thêm buồn, nên không dám “truy” hỏi thêm điều gì. Xung quanh chị, hàng chục người đàn bà khác cũng đang lo cho số phận con tàu của nhà mình không thể “vượt cạn” chở cá vào bờ.
Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry - Trưởng trạm biên phòng Đà Rằng (BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh) - vừa động viên ngư dân, vừa “chỉ huy” cán bộ, chiến sĩ kéo tàu giúp dân, cho biết: Quá nhiều tàu mắc cạn bị thiệt hại trong mùa biển này. Cuối năm ngoái và đầu tháng 1.2012, cửa cạn, sóng lớn ở cửa biển bồi lấp gây hư hại hàng chục tàu, đã đánh dạt tàu PY-92701TS của ông Trần Cường và PY-90035TS của ông Lê Đức Tiến bị mắc cạn và chìm một nửa thân tàu ngay cửa Đà Diễn. Hậu quả tàu và máy hư hỏng, 3 thuyền viên bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh.
Còn mấy ngày nay, ngư dân lại vật lộn với cửa bồi, tàu bị nạn. Hàng chục tàu chạy bung khói mù mịt, gãy chân vịt cũng không thể thoát khỏi những đụn cát dưới làn nước. Công ty Bảo Việt Phú Yên vừa phải chi ngay gần nửa tỉ đồng cho ngư dân lắp mới hàng chục chân vịt, trong khi số thu bảo hiểm tàu chỉ được 196 triệu đồng. Hiện có hàng trăm chiếc tàu, dù đã sắm chuyến hơn 120 triệu đồng/tàu, đành phải “nằm bờ” chờ nước triều lên mới dám mò ra cửa biển. Còn đa số các tàu khai thác khơi trở về không thể vào cảng cá phường 6, đành chạy đến các bến như Vũng Rô, Đông Tác, An Ninh Tây hoặc vào tận cảng cá Cam Ranh (Khánh Hòa) để tiêu thụ hải sản và sắm chuyến. Do vậy, chi phí chuyến biển “đội” thêm 10 - 20%. Trong khi, các doanh nghiệp kinh doanh thuỷ sản trên cảng cá phường 6 cũng bị “vạ” lây do hoạt động tàu vào cảng cá bị đình trệ, khó khăn trong việc tiếp cận tàu thuyền và thu mua đủ nguyên liệu hải sản để chế biến...
“Thà không may, run rủi tàu mắc nạn giữa mùa đông “bão biển”, chứ đằng này mùa nắng, mùa làm ăn trúng đậm cá ngừ, mà tàu cứ “đứng bánh” hư hại ở ngay cửa biển, ngư dân rầu lắm, bức bách chịu không thấu!” - lão ngư Phạm Đạn - tổ trưởng Trạm hoa tiêu Đà Rằng - tâm sự.
Trạm hoa tiêu “mắt biển” cứu tàu mắc nạn
“Alô...! Tàu mắc cạn rồi. Trạm hoa tiêu hướng dẫn nhanh...! Alô, “hoa tiêu” nghe rõ, một bảy ba hả, đánh mũi tàu chệch bãi cát bồi rồi rẽ hướng tây chong thẳng vào bờ. Alô, chủ tàu PY92223 nhích tàu qua phải, lượn theo dòng nước vào cửa... Alô, tàu lai dắt tăng tốc kéo tàu bị nạn qua khỏi doi cát đi...!” - những âm thanh ấy liên tục “réo” lên từ bộ đàm ở Trạm hoa tiêu Đà Rằng của bốn lão ngư tuổi đã ngoại lục tuần. “Lão” Phan Thuẫn - phó lạch Phú Câu, thành viên trạm hoa tiêu - thức từ 2 giờ sáng, nhễ nhại mồ hôi, khàn cả giọng “chỉ huy” tàu “thoát hiểm” qua cái lạch nhỏ ở cửa biển Đà Diễn.
Ông Phan Thuẫn - thành viên trạm hoa tiêu - đang dùng máy bộ đàm hướng dẫn tàu ra vào cửa biển. |
Ông Võ Văn Sĩ - chủ tàu PY-92369TS - vừa đưa tàu thoát cửa vào bờ, không giấu nổi niềm vui: “Ngư dân ví trạm hoa tiêu như “mắt biển” cứu tàu mắc nạn. Bởi nếu không có những lão ngư có kinh nghiệm ở trạm hoa tiêu thông báo cho chủ tàu tình hình nước thủy triều lên xuống, định giờ tàu ra vào cửa, “tiếp sức” hướng dẫn cho các thuyền trưởng lèo lái con tàu vượt cửa cạn... thì mức độ tàu chạy bị va cát mắc nạn hư hỏng và thiệt hại sẽ nhiều hơn...”.
9 giờ sáng 22.3, nắng nóng như muốn “sấy khô” trạm hoa tiêu nằm ngay trên bãi cát trống hoác ở cửa biển, rộng chừng 3,5m2 vách gỗ, mái lợp tôn với thiết bị chỉ có bộ đàm, bình ắcquy. Bốn “lão hoa tiêu”: Trần Đình Thống (82 tuổi), Phạm Đạn (64 tuổi), Trần Kim Hoa (63 tuổi), Phan Thuẫn (67 tuổi) thay nhau trực canh bộ đàm, mắt đăm đăm nhìn về phía biển để “lệnh” cho tàu điều chỉnh hướng di chuyển ra vào cửa. Khi có tàu bị mắc cạn, ngoài hướng dẫn bộ đàm, các “lão hoa tiêu” dù tuổi cao sức yếu, vẫn đội nắng, băng cát nóng bỏng chân trần, cùng ngư dân dùng sức kéo tàu vào bờ.
Hỏi chuyện, lão Trần Đình Thống cười to: “Thời còn trai “cưỡi” tàu tung hoành dọc ngang, không thua bất cứ ai trên biển. Về già, tôi giao lại toàn bộ 3 chiếc tàu cho con cái làm ăn. Nhưng muốn nghỉ ngơi cũng không được, vì với kinh nghiệm mấy chục năm đi biển biết hướng dòng chảy, luồng lạch nông sâu, tôi không thể đứng khoanh tay nhìn hàng trăm tàu cá của bà con mình liên tục mắc nạn ở cửa biển Đà Diễn bồi lấp. Sau khi chứng kiến tàu về phải neo lâu ngày ngoài cửa, làm giảm sút chất lượng cá và 5 chiếc tàu bị mắc cạn tại cửa, sóng đánh thiệt hại gần 50 triệu đồng/tàu, tháng 1.2007, chúng tôi tự nguyện thành lập trạm hoa tiêu “dân lập” này để giúp con cháu giải cứu tàu chạy an toàn qua cửa biển”.
Mỗi ngày, trạm hoa tiêu của những lão ngư hướng dẫn cho cả trăm chiếc tàu thuyền có công suất lớn ra vào cửa biển an toàn. Dẫu vậy, mấy ngày nay, các lão ngư trạm hoa tiêu cũng buồn rầu, ăn ngủ không yên vì nước sông Đà Rằng chảy ra cửa dần cạn kiệt, bờ biển xâm thực mạnh, khiến dòng chảy thay đổi, bồi lấp nặng, dẫn đến quá nhiều tàu liên tục bị nạn, hư hỏng. Ông Phan Thuẫn nói: “Dù đã nỗ lực giải cứu nhiều tàu, nhưng vẫn có thể xảy ra sơ suất hướng dẫn sai làm tàu mắc cạn, thiệt hại lớn. Do vậy, chúng tôi liên tục cập nhật thông tin thủy văn để có cơ sở hướng dẫn luồng lạch. Sau khi thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 (dự kiến vào ngày 29.3 tới - PV), trạm hoa tiêu sẽ yêu cầu tất cả tàu thuyền phải cung cấp đầy đủ tần số liên lạc, huy động vốn trang bị máy bộ đàm tầm xa để mở rộng phạm vi liên lạc; qua đó gắn kết chặt chẽ hơn với các tàu để vận động giúp đỡ nhau, thực hiện nhiệm vụ “hoa tiêu” hiệu quả hơn!”.
Bao giờ được khơi thông?
Tàu mắc cạn ở cửa biển Đà Diễn đã trở thành nỗi ám ảnh của ngư dân các làng biển phường 6, Đông Tác trong suốt bảy năm qua. Ông Trần Đình Thống bức xúc: Tình trạng cửa biển Đà Diễn đang bị bồi lấp dữ dội, với khối lượng lên đến 493.681m3 cát, kéo dài nhiều tháng nay, gây khó khăn cho hoạt động của 776 tàu thuyền, với nhiều tàu bị thiệt hại nặng. Các ban lạch Phú Câu, Bình Lợi, Đông Tác đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương đầu tư nạo vét cửa biển bồi lấp, nhu cầu trước mắt chỉ khơi thông luồng lạch để tàu ra vào hoạt động an toàn trong mùa biển này. Thế nhưng, ngư dân chờ dài cổ vẫn chưa thấy động tĩnh gì!
Ông Hồ Đức Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Tuy Hòa - trần tình: “Do cửa biển dịch chuyển, biến đổi mạnh nên khó khăn trong việc xử lý. UBND thành phố đã có tờ trình 191 đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương nạo vét cửa biển này. Sau đó, UBND TP giao cho Sở KHĐT chủ trì phối hợp với các ngành chức năng xem xét, bàn giải pháp để tham mưu UBND quyết định, trước ngày 20.3. Tuy nhiên, đến ngày 23.3, Sở KHĐT Phú Yên mới họp bàn về vấn đề này!”.
Mùa câu cá ngừ đại dương khơi xa chính vụ chỉ còn khoảng hai tháng nữa; trong khi ngư dân vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với nạn tàu “nằm bờ”, tàu mắc cạn ở ngay cửa. Tất cả đang phải chờ ngành chức năng tham mưu, chờ tỉnh cho chủ trương khảo sát, lập hồ sơ, chờ vốn, chờ thiết kế, thi công... Và chờ đến bao giờ mới “vét” khơi thông cửa biển Đà Diễn để tàu vươn khơi an toàn?
Theo Lao động