6 tháng 2, 2012

“Tàu mẹ, tàu con” bám biển

Tại Khánh Hoà, một mô hình mới trong khai thác và tiêu thụ hải sản trên biển - “tàu mẹ, tàu con” - vừa chào đời. Hôm nay (6.2), một “tàu mẹ” 640 tấn và 30 “tàu con” sẽ xuất phát ra Trường Sa, khởi động lộ trình chuyên nghiệp hoá nghề cá Việt Nam.

Mô hình tiết kiệm
“Tàu mẹ” của Công ty CP thuỷ sản Hải Vương có tên gọi là Hải Vương 68, dài hơn 55m, rộng 8,6m, chiều cao mớm nước 4m, công suất 1.200CV, tổng dung tích 640 tấn; 6 ngư đội gồm 30 chiếc “tàu con” chuyên hành nghề câu cá ngừ đại dương được ưu tiên trang bị máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, có tích hợp thiết bị vệ tinh (GPS). Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hoà - ông Võ Thiên Lăng - cho hay: “Trước thềm năm Nhâm Thìn, toàn thể thành viên tham gia ngư đội bám biển đã nhất trí thông qua quy chế tổ chức và hoạt động, đồng thời thỏa thuận ký kết các hợp đồng kinh tế”.
Cũng theo ông Võ Thiên Lăng - tác giả mô hình “tàu mẹ, tàu con” - trong điều kiện thực tế hiện nay, liên kết khai thác và tiêu thụ hải sản trên biển là phương thức tổ chức sản xuất tiết kiệm nhất bởi 70% thời gian, công sức cũng như phí tổn của các tàu cá tiêu tan theo hành trình “ra khơi - vào bờ”.
Ngư đội gồm hàng chục "tàu con" cùng "tàu mẹ' vươn khơi, bám biển.
Sau nhiều tháng khảo sát năng lực và nhu cầu hợp tác của ngư dân, Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hoà chủ trương dựa vào quan hệ ruột thịt trong gia đình, dòng tộc hoặc những mối gắn bó lâu đời xuất phát từ tình làng nghĩa xóm giữa các chủ tàu để tạo dựng liên kết nhóm. “Ngư đội bám biển” hình thành trên tinh thần tự nguyện hợp tác liên kết làm ăn giữa ngư dân với ngư dân và ngư dân với doanh nghiệp chuyên thu mua hải sản (Công ty CP thuỷ sản Hải Vương). Mỗi ngư đội bầu ra 1 nhóm trưởng đại diện giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ trước pháp luật. Do địa bàn hoạt động gắn liền với vùng biển Trường Sa, vì vậy tên gọi của các ngư đội chính là những địa danh trong quần đảo tiền tiêu của tổ quốc: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Đá Tây, Sinh Tồn, Đá Lát, Đá Nam và tàu mẹ là Hải Vương 68. Ông Võ Thiên Lăng phân tích: “Mỗi ngư đội gồm 5 thành viên là hội viên Hiệp hội Câu cá ngừ đại dương Khánh Hoà. Bản chất của ngư đội chính là các tổ hợp tác đoàn kết. Hai bên (ngư đội và doanh nghiệp) hoàn toàn tự chủ về tài chính – tự trang trải các chi phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của chính mình. Quy trình tổ chức khai thác, thu mua trên biển theo hướng khép kín – “tàu con” chuyên khai thác và chuyển cá đến “tàu mẹ”; “tàu mẹ” đảm nhiệm công việc thu mua, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm và tiếp tế nhiên liệu, nước ngọt, nhu yếu phẩm... cho các “tàu con” có điều kiện tiếp tục bám biển dài ngày”.

Con đường lớn
Ông Lê Văn Hy - ngư đội trưởng ngư đội Sinh Tồn - nhận xét: “Việc thành lập các tổ hợp tác (ngư đội) câu cá ngư đại dương không chỉ tập hợp và định hướng cho ngư dân hoạt động có tổ chức trên biển, mà còn phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình hành nghề, cũng như phòng, chống thiên tai, ứng phó với sự cố, cứu hộ, cứu nạn... và kịp thời đối phó với những tình huống xấu khi bị tàu lạ tấn công”.
Nghề câu cá ngừ đại dương đã và đang được ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ quan tâm đầu tư phát triển, trong suốt gần 2 thập niên đã qua, hơn 80% số sản phẩm cá ngừ Việt Nam xuất khẩu tươi sống sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc... Tuy nhiên, do cung cách làm ăn nhỏ lẻ, phân tán và ngư dân chưa chú ý đầu tư cho khâu bảo quản sau thu hoạch nên chất lượng hạn chế và giá bán thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực. Mô hình “tàu mẹ, tàu con” liên kết khai thác và thu mua hải sản trên biển sẽ mở ra con đường lớn, dần dần hình thành tác phong làm ăn chuyên nghiệp trong ngư dân.
Ông Võ Thiên Lăng cho biết thêm: “Tàu mẹ Hải Vương 68 sẽ đứng ở vị trí trung tâm của ngư trường Trường Sa, các “tàu con” và trạm bờ liên lạc thường xuyên hằng ngày trên sóng VHF, ICOM, Radio... Tất nhiên, tất thảy thành viên đã thống nhất quy ước giờ liên lạc cố định hằng ngày giữa 30 “tàu con” với “tàu mẹ” và văn phòng điều hành trên bờ”.
Theo đề nghị của 6 “ngư đội bám biển”, những vấn đề phát sinh trong hoạt động trên biển đều phải đưa ra tập thể giải quyết, riêng những bất cập liên quan đến “tàu mẹ” hoặc xuất phát từ “tàu mẹ” như giá sản phẩm hoặc giá nhiên liệu, nhu yếu phẩm... nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo về ban chỉ đạo của tỉnh Khánh Hoà hoặc giải quyết theo quy định pháp luật.

Theo Lao động