28 tháng 12, 2011

Việt Nam có 8 tàu chìm trong năm 2011

Thống kê của Cục Hàng hải cho thấy số vụ tai nạn đường thủy có xu hướng tăng mạnh trong năm qua. Tính đến trước thời điểm Vinalines Queen mất liên lạc, đã có 22 người chết và mất tích.

Theo báo cáo ngày 23/12 của Cục Hàng hải, tổng số tai nạn hàng hải trong năm 2011 của Việt Nam (chưa tính trường hợp của Vinalines Queen) đã lên tới 60 vụ, tăng 17 trường hợp so với năm 2010. Trong số này, chủ yếu là các tai nạn liên quan đến việc đâm va (30 vụ) và va chạm (14 vụ).
Số vụ chìm tàu tuy giảm 5 vụ so với năm trước nhưng cũng khiến 4 tàu biển và 4 phương tiện thủy nội địa bị “xóa sổ”. Chưa có thống kê về thiệt hại vật chất nhưng theo Cục Hàng hải các vụ tai nạn nói trên đã khiến 22 người chết và mất tích. Con số này tuy chưa bằng một nửa so với 2010 nhưng vẫn được đánh giá rất đáng quan ngại.
Trong số 60 vụ tai nạn nói trên, có 4 vụ được Cục Hàng hải đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp đầu tiên xảy ra hồi đầu tháng 4 khi tàu Bình Minh 28 (tải trọng gần 2.000 DWT) đâm va với tàu Phúc Hải 5 (tải trọng trên 15.100 tấn) tại vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) khiến tàu nhỏ bị chìm ngay lập tức cùng toàn bộ hàng hóa và hơn 8.000 lít dầu. Vụ tai nạn đã khiến 3 người chết và 2 người đến nay vẫn mất tích.
Đến giữa tháng 7, một vụ tai nạn khác xảy ra tại gần cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng) khi tàu Methi Bhum va chạm với 2 tàu hải quân đang neo đậu khiến cả 3 tàu bị hư hỏng nặng. 2 tháng sau đó, đến lượt tàu Medbaykal (quốc tịch Síp) đâm va với một sà lan chở 1.000 tấn đá xây dựng trên luồng từ Sài Gòn ra Vũng Tàu. Vụ va chạm khiến sà lan chìm, gây mất tích 3 thủy thủ.
Ngay giữa tháng 12 vừa qua, một tai nạn nghiêm trọng khác cũng xảy ra khi tàu Hương Điền 09 hỏng máy trên hải hành gần đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Gặp đúng lúc sóng to, tàu bị lật chìm cùng 1.000 tấn than, gây chết 3 người và khiến 2 người mất tích.
Một đặc điểm chung của 4 vụ nói trên chính là địa điểm xảy ra khá gần bờ hoặc trong khu vực đường thủy nội địa. Do đó việc tìm kiếm cứu nạn cũng được tiến hành thuận lợi hơn, qua đó hạn chế được thiệt hại về người. Trường hợp mất tích xa bờ như Vinalines Queen là rất hãn hữu và gần như chưa có tiền lệ.
Xác định nguyên nhân của các vụ tai nạn, Cục Hàng hải cho rằng lý do trước hết vẫn là con người. Trong nhiều trường hợp, các sĩ quan, thuyền viên còn hạn chế về trình độ điều động, tránh va, chủ quan, không tuân thủ các quy định về trực ca (cảnh giới, tốc độ an toàn, tránh va trong luồng hẹp, đèn hiệu…).
Ngoài ra, trang thiết bị trên nhiều tàu quá cũ, không được duy tu bảo dưỡng theo quy định nên thường xảy ra sự cố, đặc biệt là các hệ thống cứu sinh. Ngoài ra, cũng có một số nguyên nhân khác như hạ tầng cảng biển, hoa tiêu, điều kiện khí tượng - thủy văn ngày một phức tạp, khắc nghiệt…
Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh các biện pháp giáo dục, vận động các chủ tàu, hãng tàu tuân thủ đúng các quy định an toàn, Cục Hàng hải cũng đề xuất các cơ quan chức năng có chế tài xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Cục cũng đề xuất có chế độ đãi ngộ phù hợp với cán bộ an toàn (do đây là ngành nghề có nhiều cám dỗ), đồng thời đặt mục tiêu giảm 5-10% số vụ tai nạn và số người chết trong năm 2012.


Theo VNExpress