4 tháng 10, 2011

Tai nạn hàng hải liên tục xảy ra trên vùng biển Vũng Tàu

Thời gian qua, trên vùng biển Vũng Tàu liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn hàng hải nghiêm trọng, gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản. Ðâu là nguyên nhân của tình trạng này và các ngành chức năng đã có những giải pháp gì để khắc phục?

Chỉ trong vài tháng gần đây, đã có gần mười vụ tai nạn hàng hải xảy ra trên vùng biển Vũng Tàu, hầu hết là các vụ tai nạn nghiêm trọng, gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản. Cụ thể: Ngày 10-5, tàu chở công-ten-nơ GRETE MAERSK (quốc tịch Ðan Mạch) dài 367 m, tải trọng 115 nghìn tấn, trên hành trình từ Ma-lai-xi-a đi Vũng Tàu, khi đến vị trí gần phao số 5 luồng Vũng Tàu - Thị Vải bất ngờ bị một tàu cá chạy cắt mặt khiến tàu này chuyển hướng đột ngột, lao vào bãi cát ven bờ. Phải đến ngày 13-5, với sự trợ giúp của bảy tàu kéo tổng công suất hơn 30 nghìn mã lực, con tàu này mới thoát ra khỏi khu vực mắc cạn, thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng.
Ngày 18-7, tàu hàng Hao Heng 08, tải trọng 17.800 tấn (quốc tịch Pa-na-ma), chở thép đang hành trình từ phao số 0 vào cảng Posco trên sông Thị Vải (thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Khi đến khu vực cảng của Công ty cổ phần dầu khí Vũng Tàu (xã Tân Phước, huyện Tân Thành) đang thi công thì bất ngờ lao thẳng vào cảng. Vụ va đập quá mạnh đã làm sập nhà điều hành cảng, sập cầu công tác từ cầu cảng ra nhà điều hành, năm trụ đỡ ống và một trụ đỡ cầu bị gãy hoàn toàn. Rất may không có thiệt hại về người.
Ngày 2-9, tàu chở dầu Ðại Việt tải trọng 47 nghìn tấn của Công ty cổ phần vận tải biển Việt Nam đang trên hải trình vào Cù Lao Tào (vịnh Gành Rái, TP Vũng Tàu) thì bị mắc cạn, làm hỏng ba tuyến ống dẫn dầu của Xí nghiệp tổng kho xăng dầu miền đông thuộc Tổng công ty dầu Việt Nam, thiệt hại khoảng 250 nghìn USD. Và mới đây nhất, sáng 30-9, tàu Petrolimex 02 (quốc tịch Việt Nam, trọng tải hơn 20 nghìn tấn) trên hải trình từ cảng Dung Quất về TP Hồ Chí Minh, khi đến vùng biển Vũng Tàu đã xảy ra tai nạn với tàu Lewek Penguin (quốc tịch Xin-ga-po, trọng tải hơn 2.000 tấn). Hậu quả, gần 350 m3 xăng A92 đã bị tràn ra biển, thiệt hại về tài sản và môi trường rất lớn. Ðó là chưa kể tới những vụ tai nạn xảy ra đối với tàu cánh ngầm chở khách chạy tuyến Vũng Tàu-TP Hồ Chí Minh mà điển hình là vụ va chạm giữa tàu Vina Express 02 và một chiếc xuồng chiều 26-9 khiến một người chết...
Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu Lê Văn Chiến cho biết: Những năm trở lại đây, hoạt động hàng hải trên vùng biển Vũng Tàu hết sức sôi động. Sự ra đời và phát triển của hệ thống cảng nước sâu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã biến nơi này thành điểm đến của nhiều hãng tàu lớn trên thế giới. Ðã có nhiều tàu trọng tải từ 80 nghìn đến 120 nghìn tấn cập các cảng nước sâu khu vực Thị Vải- Cái Mép. Theo tính toán, mỗi ngày có hơn 200 lượt tàu, thuyền ra vào các cảng khu vực Vũng Tàu, Ðồng Nai và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, luồng chạy tàu trên tuyến hẹp, về lý thuyết chỉ có thể đáp ứng cho tàu trọng tải 80 nghìn tấn, chiều dài 300 m trở xuống. Theo lãnh đạo ngành giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, công tác nạo vét chỉnh trị các tuyến luồng hàng hải quốc gia chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài tuyến luồng Thị Vải - Cái Mép hiện đã được nạo vét, trong đó đoạn đến Cái Mép là -14 m, đoạn đến cảng SP-PSA là -12 m thì các đoạn khác hầu như chưa được chỉnh trị nạo vét. Thêm vào đó tình trạng các phương tiện thô sơ neo đậu và đánh bắt hải sản trên tuyến luồng thường xuyên xảy ra. Theo Giám đốc Xí nghiệp Hoa tiêu Vũng Tàu Nguyễn Khắc Du, trên luồng sông Thị Vải có rất nhiều phương tiện đánh bắt cá hoạt động, nhiều phương tiện kéo lưới di chuyển chậm, neo đậu trên luồng. Ðáng chú ý là, một số ngư dân rất liều lĩnh cho tàu chạy cắt qua mũi tàu lớn đang hành trình. Ðây chính là nguyên nhân khiến tàu Grete Maersk bị mắc cạn. Bên cạnh đó, hàng hóa xuất nhập khẩu vào khu vực các cảng trên sông Thị Vải- Cái Mép chủ yếu vận chuyển bằng sà-lan về TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía nam và ngược lại. Một số cảng biển trên địa bàn đang trong quá trình xây dựng, cho nên có rất nhiều sà-lan vận chuyển hàng hóa, vật liệu san lấp, ước tính mỗi ngày lên tới hàng nghìn lượt...
Tại Hội nghị nâng cao hiệu quả quản lý khai thác cảng biển quốc tế khu vực Vũng Tàu vừa được tổ chức mới đây, hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải đều có chung ý kiến, để hạn chế, tiến tới từng bước đẩy lùi tình trạng gia tăng số vụ tai nạn hàng hải trên vùng biển Vũng Tàu, cần sớm giải tỏa triệt để nạn đăng đáy, khai thác thủy, hải sản trên tuyến luồng; sớm in ấn hải đồ cho luồng Cái Mép - Thị Vải, lắp đặt hệ thống VTS (ca-mê-ra quan sát, dẫn đường); tăng cường tàu lai công suất lớn, có tính cơ động cao hỗ trợ tàu trọng tải lớn vào ra các cảng trong khu vực trong điều kiện đặc thù thủy triều lên xuống rất mạnh; đồng thời tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con ngư dân, các chủ phương tiện, nhất là các phương tiện thủy thô sơ hoạt động trên tuyến luồng. Bởi không có sự góp sức của bà con ngư dân thì mọi nỗ lực của các cấp chính quyền sẽ đều trở nên vô nghĩa.

Theo báo Nhân dân