Nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa bão... các ngành chức năng tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó có hoạt động thông tin và giám sát tàu cá.
Những bất cập
Bình Định có số tàu thuyền đánh cá thuộc loại lớn nhất ở khu vực duyên hải miền Trung với trên 8.100 chiếc, trong đó khoảng 50% tàu cá thường hoạt động khai thác thủy hải sản ở các ngư trường ngoài tỉnh. Bởi vậy, dù bão hay áp thấp nhiệt đới không vào bờ nhưng tàu cá của ngư dân ít nhiều bị ảnh hưởng. Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định, bà con ngư dân trong tỉnh có nhiều kinh nghiệm đánh bắt hải sản, nhưng nhiều phương tiện cũ kỹ, lạc hậu, nên khả năng chịu đựng tác động của sóng gió rất yếu, dễ xảy ra tai nạn khi hoạt động đánh bắt trong mùa mưa bão. Trong khi đó, hệ thống thông tin liên lạc giữa các lực lượng chức năng trên bờ với hệ thống thông tin ngư dân khó kết nối, bởi trang thiết bị an toàn hàng hải, máy móc thông tin liên lạc, định vị trên tàu của ngư dân không đầy đủ và chưa có sự thống nhất chung. Ngư dân thường không đăng ký tần số, không biết quy trình sử dụng, nguồn điện dự phòng trên tàu không đảm bảo nên dễ gây hỏng hóc, không sử dụng được. Hệ thống thông tin liên lạc của ngư dân chưa được “hòa mạng” theo quy định chung, chủ yếu là dùng để liên lạc với gia đình và một số tàu cá với nhau. Một số ngư dân chưa biết tần số liên lạc cứu hộ, cứu nạn cũng như cách thức thực hiện một cuộc gọi cấp cứu (hô hiệu, tên tàu, tên đài…) để yêu cầu được trợ giúp khi có sự cố trên biển. Đối với ngành chức năng, mặc dù trong thời gian qua Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định có tổng đài thông tin để liên lạc với ngư dân, khi có bão, áp thấp nhiệt đới, tổng đài liên tục phát thông tin nhưng chẳng mấy tàu nhận được. Với những bất cập như vậy, nên lâu nay khi ngư dân Bình Định gặp nạn trên biển thì chỉ liên lạc với người thân thông qua máy bộ đàm đặt ở nhà, sau đó người nhà liên hệ với các cơ quan chức năng yêu cầu tổ chức cứu hộ, cứu nạn. Mặt khác khi các cơ quan chức năng muốn thông báo cho ngư dân các thông tin về ngư trường, thời tiết biển, thông tin khẩn cấp về bão, lốc xoáy... cũng phải thông qua phương thức trên hoặc qua sóng phát thanh. Do vậy, khi có bão xảy ra, ngành chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định vị trí, địa điểm của tàu để có biện pháp ứng cứu kịp thời. Việc thông tin liên lạc, chỉ đạo và hướng dẫn ngư dân tránh trú bão trên các vùng biển, việc triển khai ứng cứu cũng gặp nhiều khó khăn.
Tăng cường các biện pháp
Thời tiết, khí hậu biển nước ta rất khắc nghiệt, mỗi năm có hàng chục cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện, đôi khi không theo quy luật, rất khó dự báo. Nghề khai thác, đánh bắt hải sản, nhất là khai thác xa bờ, thường gặp rất nhiều rủi ro, nên công tác tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai trên biển trong mùa mưa bão luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Xuất phát từ những bất cập nói trên và nhu cầu cần thiết trong việc quản lý tàu thuyền, đảm bảo thông tin liên lạc giữa cơ quan chức năng với tàu cá trên biển, năm 2008 UBND tỉnh Bình Định cho phép ngành Nông nghiệp tỉnh đầu tư gần 1,5 tỷ đồng thiết lập hệ thống thông tin và giám sát tàu cá trên biển. Hệ thống gồm có 1 máy phát ICOM IC-M710; máy thu phát vô tuyến sóng ngắn và khuếch đại công suất 1.000W; thiết bị điều khiển gọi chọn số; hệ thống máy vi tính và phần mềm quản lý và các thiết bị lắp đặt trên tàu cá.
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định, hệ thống này có khả năng quản lý trên 1.000 tàu cá, có chức năng tự động báo vị trí của tàu về trung tâm (trạm bờ) quản lý, giúp cho tàu cá thu nhận các thông tin về dự báo thời tiết, khu vực sắp bão, thời gian bão,... từ đất liền, đồng thời gửi các thông tin khẩn cấp khi tàu bị nạn (với tọa độ chính xác nơi tàu gặp nạn), tạo thuận lợi cho công tác tìm kiếm cứu nạn. Vị trí của các tàu đánh cá trên biển sẽ được chuyển về theo lệnh của trạm bờ một cách tự động, người sử dụng không cần thao tác phức tạp. Ngoài việc hiển thị tọa độ các tàu bằng giá trị số học, vị trí của tàu cá còn được hiển thị trực quan trên nền bản đồ số thông qua phần mềm quản lý. Các công cụ trợ giúp trên bản đồ số có thể giúp xác định ngay các thông tin liên quan đến các con tàu này bằng cách kích chuột máy tính vào các vị trí này, đồng thời có thể xác định ngay khoảng cách từ con tàu đó đến các vị trí xung quanh. Đây là một tính năng rất quan trọng giúp cho việc tính toán đường đi và thời gian cần thiết để có thể tiếp cận với các con tàu bị nạn một cách nhanh nhất. Phạm vi liên lạc giữa trạm bờ và tàu cá trên biển là 50km đối với sóng VHF và trên 2.000km đối với sóng HF. Hiện nay, hệ thống này đã được lắp đặt hoàn chỉnh và đã vận hành thông suốt, có 230 bộ giao tiếp và chuyển đổi kết nối giữa máy định vị và máy bộ đàm được hỗ trợ lắp đặt trên 230 tàu cá của ngư dân. Năm 2011, Bộ NN và PTNT hỗ trợ cho tỉnh Bình Định 228 máy trực canh và 280 thiết bị kết nối vệ tinh thuộc dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh- Movimar” tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đánh bắt thủy hải sản và phòng tránh bão.
Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định Trần Kim Dương cho biết: trong mùa mưa bão năm nay, bên cạnh việc duy trì hệ thống thông tin và giám sát tàu cá trên biển, chúng tôi đã cung cấp cho các địa phương địa chỉ và thông tin liên lạc của thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành thủy sản tỉnh; các điểm neo đậu tàu thuyền trú tránh bão để chính quyền địa phương thông báo cho ngư dân biết. Khi xảy ra sự cố, chính quyền và ngư dân liên lạc số điện thoại: 0563.892.558 để được hỗ trợ. Cũng theo ông Dương, để hoạt động khai thác thủy sản có hiệu quả, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản trên biển, ngư dân cần phải kết nối hệ thống thông tin liên lạc với cơ quan chức năng, đồng thời cần phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó với thiên tai, mưa bão, không nên chủ quan khi ra khơi khai thác, nhất là trong mùa mưa bão.
Theo daibieunhandan.vn