21 tháng 9, 2010

Số phận 12 năm lận đận của chiếc máy thu trực canh

Sau khi cơn bão Linda (cuối năm 1997) gây tổn thất nặng nề, làm thiệt mạng hơn 3.000 ngư dân, nhấn chìm hàng nghìn tàu thuyền đánh cá, việc cung cấp thông tin dự báo thời tiết cho ngư dân bỗng trở thành vấn đề thời sự nóng hổi và việc trang bị máy thu trực canh cho ngư dân đã được đề cập đến. Nhưng phải mất hơn 12 năm, ý định này mới thành hiện thực.

Không một  diễn  đàn  nào – từ hội trường Quốc hội cho đến các phương tiện truyền  thông  -    không  dày  đặc những ý kiến về sự cấp bách phải tăng cường đảm bảo an toàn tính mạng  cho  người  đi  biển,  phải cung cấp thông tin dự báo bão và hướng dẫn nơi tránh bão kịp thời cho ngư dân, … Rồi mọi sự lắng dần,  lời  nói  vẫn  là  lời  nói,  hầu như không có gì thay đổi.
Phải  gần  9  năm  sau,  những thảm  hoạ  từ  cơn  bão  Chanchu (cơn  bão số 1, tháng 5/2006) mới  lại một  lần nữa  làm dấy  lên những  câu  hỏi,  vì  sao  ngư  dân vẫn  không  được  nhận  thông tin  dự  báo  bão  kịp  thời? Vì  sao an  toàn  tính mạng  của ngư dân vẫn chưa được quan tâm? Vì sao ngư  dân  vẫn  không  được  trang bị  những  phương  tiện  đơn  giản nhưng hiệu quả và đã được nói đến từ khá lâu trước đó như chiếc máy  thu  trực  canh? Ngay  trong phiên  điều  trần  của  nguyên  Bộ trưởng Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc trước  Quốc  hội,  những  câu  hỏi tương  tự  của  đại  biểu Vũ Minh Mão cũng không nhận được câu trả lời rõ ràng.
Phải chăng vấn đề này quá khó?

Hình thành ý tưởng
Thật  ra  ý  tưởng  về  thiết  bị này đã được nhiều chuyên gia đề xuất ngay từ cuối năm 1997, ngay sau cơn bão Linda, do gợi ý
Hàng loạt máy thu trực canh sẵn sàng để bàn giao cho ngư dân trước mùa bão năm nay
của nguyên  Bộ  trưởng Công  nghiệp Đặng Vũ Chư  -   TS Trần Quang Hùng,  Tổng  Thư  ký  Hiệp  hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam và KS Đặng Quốc Thái, Giám đốc Công  ty CP Điện  tử Hải  Phòng (Hapelec),  là  những  người  chủ chốt trong công trình thiết kế sản xuất chiếc máy thu vô tuyến trực canh cho tàu cá.
Ngày 6/6/1998 tại Văn phòng Bộ Thủy sản, nhóm chuyên gia Tổ công tác liên bộ Thủy sản - Công nghiệp đã trình bày mô hình hoạt động của hệ thống đài phát - thu trực canh đầu tiên.
Máy hoạt động theo nguyên lý trực canh 24/24. Trong điều kiện bình  thường, nó  có  thể dùng để nghe tin tức, ca nhạc như những chiếc máy thu rađiô khác. Nhưng khi có tình hình đặc biệt, một tín hiệu “đánh  thức”  từ đài phát  sẽ kích hoạt bộ chuyển mạch và tất cả các máy thu, kể cả những máy đã  tắt,  đều  tự  động  bật  lên  để nhận bản  tin này. Mẫu máy  thu trực canh do Công ty Điện tử Hải phòng  (Hapelec)  chế  tạo  được hoàn chỉnh dần và trải qua nhiều thử  nghiệm  trên  các  vùng  biển như  Đồ  Sơn-Hải  Phòng,  Lạch Quèn-Nghệ An và Phú Yên.Thực hiện  chỉ đạo  của Chính phủ, máy thu trực canh phải tiếp nhận được sóng  từ hệ  thống đài thông  tin  duyên  hải  (Vishipel) vừa  xây  dựng  bằng  nguồn  vốn ODA của Nhật Bản do Cục Hàng hải, Bộ Giao  thông Vận  tải quản lý, năm 2002 các nhà  thiết kế đã tiếp  tục  cải  tiến mẫu máy,  thay đổi  từ  công nghệ  thu  sóng điều biên  (AM)  như  máy  thu  thanh thông thường sang thu sóng đơn biên  (SSB).  Công  nghệ  này  cho phép  giảm  băng  tần,  tăng  hiệu suất để có thể truyền đến cự ly xa mà không đòi hỏi máy phát công suất  lớn và hạn  chế nhiễu  trong quá trình truyền sóng, nhất là khi thời tiết xấu.
Đến năm  2003, máy  thu  trực canh  do  Việt  Nam  thiết  kế  chế tạo  đã  được  thử  nghiệm  thành công  ở  những  vị  trí  có  khoảng cách và địa hình khác nhau, kể cả ở đảo Bạch Long Vĩ và đảo Hải Nam, Trung Quốc. Máy đã được nghiệm  thu  và  được cấp  bằng chứng nhận giải pháp công nghệ. Về nguyên  tắc, máy  có  thể hoạt động trên phạm vi toàn cầu.
Như vậy,  từ cách đây 7 năm, với hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Vishipel và máy thu trực canh trong nước sản xuất, chúng ta đã hoàn  toàn đủ khả năng  thiết  lập một hệ thống thông tin một chiều “bờ-tàu  thuyền”.  Để  thực  hiện dự án đó chỉ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Thủy sản và Cục Hàng hải để khai thác hệ thống 32 đài phát thông tin duyên hải trải dọc  chiều  dài  bờ  biển  từ Móng Cái đến Cà Mau và có khả năng phủ sóng toàn cầu.

Trở ngại trùng trùng
Trở ngại chính khiến ngư dân chưa được trang bị máy thu trực canh  để  tiếp  nhận  thông  tin  dự báo  thời  tiết,  thiên  tai,  lại  chính là vì vấn đề này quá được quan tâm! Có quá nhiều ý tưởng ở các tầng  nấc  hiện đại  khác  nhau đã tới  tấp được đề xuất  lên cấp cao nhất.  Dường  như  các  cấp  các ngành đều rất quan tâm, vậy mà không hiểu sao sự phối hợp cần có giữa Bộ Thuỷ sản và Cục Hàng hải đã không thành hiện thực!Vào  tháng  9  năm  2001,  Bộ Thủy sản trình lên Chính Phủ dự án  thông  tin  chuyên  ngành  với quy mô rất hoành tráng và được Chính phủ phê duyệt năm 2002. Ngay sau đó, Bộ  lại  tiếp  tục xây dựng một đề án mới về hiện đại hóa thông tin nghề cá trên biển sử dụng công nghệ vệ tinh, với nguồn vốn ODA  lên đến 63 triệuUSD,nhưng  không  được  chấp  thuận.Trong  những  năm  2003  – 2006,  chuyện máy  thu  trực  canh hầu  như  rơi  vào  quên  lãng. Người sản xuất ra nó  là Công ty Hapelec  đành  xếp  chúng  và  kế hoạch triển khai dây chuyền sản xuất vào kho, cùng với nỗi lo tổn thất vốn đầu tư và công sức. Hầu hết cán bộ kỹ thuật và công nhân được chuyển sang làm việc khác.
Chủ  tịch  Quốc  hội  Nguyễn Văn An khi đó đã đánh giá, hoạt động khai thác xa bờ không được quan tâm gắn kết với an toàn trên biển, thể hiện qua việc chậm triển khai  trang  bị máy  thu  cho  ngư dân trên tàu cá. Đó là sự chậm trễ và trì trệ không được phép có, mà trách nhiệm chính là sự phối hợp không  tốt  giữa  các  ngành  trong các cơ quan quản lý nhà nước. Phải đến khi siêu bão Chanchu gây  tai hoạ kinh hoàng  cho ngư dân miền  Trung,  chiếc máy  thu trực  canh mới  lại  được  lôi  ra  từ đống bụi bặm, với hy vọng được đến với người ngư dân. Nhưng nó vẫn phải chờ thêm 4 năm nữa.
Trải qua  rất nhiều  lần góp ý, trao đổi, họp bàn, dự án sản xuất máy thu trực canh mới được đặt thành  gói  thầu  số  13  trong  dự án Xây dựng hệ  thống  thông  tin quản  lý  nghề  cá  trên  biển  (giai đoạn  1)  do  Cục  Khai  thác  và Bảo  vệ Nguồn  lợi  Thuỷ  sản,  Bộ NN&PTNT chủ trì thực hiện. Nội dung dự án là sản xuất 7.000 máy thu trực canh để trang bị cho tàu khai thác thuỷ sản xa bờ, kinh phí do ngân sách cấp toàn bộ.

Trở thành hiện thực
Giám đốc Đặng Quốc Thái và các cán bộ kỹ  thuật  tâm huyết ở Hapelec lại lao vào tiếp tục được hoàn  thiện  thiết  kế,  nâng  cao tính năng của máy thu trực canh. Mẫu  máy  mới  gọn  nhẹ  và  khá hiện đại,  có vỏ  chắc  chắn  chống va đập, chống thấm và chịu được nước biển.
Theo  KS  Thái,  khi  cần,  máy hoàn  toàn sẵn sàng để nâng cấp tiếp  với  chi  phí  không  đáng  kể để  trở  thành  máy  thu-phát  hai chiều, để không chỉ truyền thông tin đến ngư dân mà ngược lại, có thể phát  tín hiệu cấp cứu khi có tai nạn  trên biển, hoặc hỗ  trợ cơ quan  quản  lý  nắm  thông  tin  về hoạt động của từng chiếc tàu. Ngoài ra, còn có thể gắn chip GPS cho máy thu để giao tiếp với hệ thống định vị vệ tinh.
Những trở ngại còn chưa hết, nhưng  cũng  được  các  cơ  quan hữu quan phối hợp tháo gỡ. Thuế NK linh kiện đã được miễn. Vấn đề xác định đối  tượng được  cấp phát máy thu trong đợt này (cấp miễn  phí  hoàn  toàn  cho  các  hộ nghèo) cũng được làm rõ. Trong  buổi  làm  việc  với Phó Chủ  tịch  VASEP  Nguyễn  Hữu Dũng  vào một  ngày  đầu  tháng 6/2010,  Thứ  trưởng  kiêm  Tổng Cục trưởng Vũ Văn Tám cho biết
Tổng  cục Thủy  sản đã  xác định việc  trao máy  đến  cho  ngư  dân trước mùa mưa  bão  năm  nay  là một  trong những việc  làm  trọng điểm và cấp bách. Ông hứa sẽ trực tiếp đi khảo sát  lại việc sản xuất thiết bị và kế hoạch trao những lô máy đầu  tiên đến  cho  ngư dân, mặc dù còn rất nhiều bất cập về cơ chế giải ngân cho việc trang bị phải giải quyết tiếp sau đó. Tổng cục cũng đang chỉ đạo xây dựng dự  án  sản  xuất  tổng  số  60.000 máy thu trực canh để đủ trang bị cho toàn bộ số tàu khai thác thuỷ sản xa bờ của cả nước.
Phó  Tổng  cục  trưởng  Chu Tiến Vĩnh cũng cho rằng: “Ngay cả  khi  cấp  miễn  phí  toàn  bộ số  lượng  60.000  chiếc  máy  thu thì  cũng  chỉ  cần  chi  ngân  sách khoảng 200  tỷ đồng, một con số hoàn toàn không lớn so với nhiều khoản  hỗ  trợ  khác,  và  càng  rất nhỏ so với những  tổn  thất về  tài sản và đặc biệt là tính mạng ngư dân khi gặp  thiên  tai ngoài biển như đã từng xảy ra”.
Tin mới từ Giám đốc Hapelec Đặng Quốc Thái cho biết, vừa qua, Cục Khai  thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản và Hapelec đã phối hợp  với  các  Sở NN&PTNT  trao 2.000 chiếc máy thu đầu tiên cho ngư  dân  6  tỉnh  Thái  Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh  và  Quảng  Bình.  Hapelec đang  gia  tăng  tiến  độ  sản  xuất, lắp  ráp  để  trao  tiếp  5.000  chiếc máy cho ngư dân các địa phương khác trong tháng 8 năm nay.
Quãng  đường  lận  đận  12 năm  –  vừa  tròn một  con  giáp  - của  chiếc máy  thu  trực  canh, hy vọng đã đến hồi kết. Ngư dân sẽ có thông tin chủ động hơn để đối phó với những  cơn  thịnh nộ bất thường của thiên nhiên trên biển, tính  mạng  của  họ  sẽ  đỡ  nguy hiểm hơn phần nào.
Và qua câu chuyện này, cũng hy vọng rằng, với những vấn đề cấp bách đối với đời sống và tính mạng  người  dân,  các  cơ  quan quản  lý sẽ không phải suy nghĩ, cân nhắc quá lâu như trường hợp máy trực canh.

Theo Tạp chí thương mại Thủy sản