10 tháng 8, 2010

Cần một chế tài cụ thể cho công tác cứu hộ, cứu nạn

Hiện có 3 lực lượng chính tham gia công tác cứu nạn trên biển là Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng); Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT); Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải (Bộ Giao thông vận tải). Song, trên thực tế hầu hết số vụ tai nạn trên biển được cứu hộ bởi lực lượng Bộ đội biên phòng (BĐBP).

Đại tá Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng cứu hộ cứu nạn BĐBP cho biết, ngoài nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, BĐBP còn là lực lượng chủ lực tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Năm 2009, trên khu vực biên giới, các vùng biển, đảo, dọc các cửa sông, cửa lạch đã xảy ra 1.398 vụ tai nạn, khiến 7.196 người và 1.720 phương tiện gặp nạn. BĐBP đã kịp thời tổ chức, khắc phục hậu quả thiên tai; phối hợp với ngành thủy sản, chính quyền địa phương, hướng dẫn kêu gọi 268.768 lượt tàu thuyền hoạt động trên biển biết hướng đi của các đợt bão để chủ động di chuyển phòng tránh; cứu nạn 59 vụ, 166 người trên 31 tàu nước ngoài bị nạn trên vùng biển và khu vực biên giới nước ta...
Tuy nhiên, công tác tìm kiếm cứu nạn vẫn còn gặp không ít khó khăn do việc theo dõi, nắm bắt các vụ thiên tai, tai nạn ở một số đơn vị còn hạn chế, chưa chính xác; tại một số nơi, tàu thuyền đã vào nơi neo đậu nhưng vẫn bị chìm, đắm, hư hỏng. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận ngư dân trong việc chấp hành quy định đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển cũng như khi có bão, lũ xảy ra còn hạn chế, có biểu hiện chủ quan. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Thượng tá  Nguyễn Văn Tơ, Phó phòng Cứu hộ cứu nạn BĐBP bức xúc: “Hiện đang xuất hiện hiện tượng ngư dân lạm dụng công tác cứu hộ, cứu nạn. Chẳng hạn ngày 8/3/2010, tàu cá của tỉnh Khánh Hòa có 1 người bị rơi xuống biển, 7 người còn lại trên thuyền phát tín hiệu kêu cứu khiến Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (VNMRCC) phải điều 2 máy bay trực thăng tìm kiếm. Máy bay mất một ngày tìm kiếm không thấy, khi quay về thì nhận được tin người bị nạn đã được một tàu cá cứu. Việc đáng nói ở đây là khi sự việc xảy ra, thông báo cho các cơ quan có trách nhiệm hỗ trợ là cần thiết. Song, khi sự việc đã được khắc phục, không thông báo lại, gây tốn kém công sức và vật chất không cần thiết. Ông Nguyễn Văn Đợi, Tổng Giám đốc Trung tâm VNMRCC cũng cho biết: Năm 2009 có 1 vụ người dân báo là đắm tàu chở than ở tỉnh Quảng Ninh, trên tàu có 12 người. Trung tâm đã phối hợp với BĐBP Quảng Ninh huy động 3 máy bay trực thăng, kết hợp với 1 máy bay của Trung Quốc và tàu của biên phòng tìm khắp vùng biển nhưng không thấy. Sau hơn 10 giờ tìm kiếm chúng tôi xác định được đấy chỉ là thông tin cấp cứu giả. Như vậy không chỉ thiệt hại về vật chất hàng chục triệu đồng mà lực lượng còn mất thời gian công sức của anh em vào việc tìm kiếm vô ích. Mới đây nhất là vụ tàu cá của Quảng Bình, trên tàu có 7 thuyền viên đang hành nghề tại khu vực biển Quảng Bình đã phát tín hiệu cứu nạn khi trên tàu có 1 thuyền viên đau bụng. Khi tàu cứu nạn của lực lượng BĐBP đến thì biết nạn nhân bị đau bụng vì.. đi ngoài. Vậy là chỉ vì một thuyền viên bị “đi ngoài” mà BĐBP phải huy động  1 tàu và 5 cán bộ chiến sĩ ra cứu nạn.

Những biện pháp khắc phục
Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiêm Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, cả nước hiện có 130.000 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó chỉ có khoảng 20.000 tàu đánh bắt xa bờ, số còn lại chủ yếu là công suất nhỏ, dưới 50CV. Ngoài trang thiết bị thiếu và lạc hậu, còn một vấn đề tồn tại nữa là ý thức chấp hành quy định an toàn của ngư dân rất hạn chế. Đó chính là lý do vì sao thời gian qua, các địa phương rất vất vả trong công tác tìm kiếm cứu nạn. Đó là chưa kể hạ tầng các khu neo đậu, cảng cá còn hết sức khó khăn. Công tác quản lý tàu thuyền ở một số địa phương chưa chặt chẽ, nhiều phương tiện đánh bắt không đủ điều kiện an toàn vẫn ra khơi. Thông tin liên lạc tuy đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, việc thực hiện quy chế cứu nạn chưa chặt chẽ, chưa phát huy tốt lực lượng tại chỗ.
Thực tế cho thấy, công tác tìm kiếm cứu nạn không chỉ mất nhiều thời gian mà còn rất tốn kém về tiền bạc và công sức. Do đó, nếu không có chế tài đủ mạnh, e rằng tình trạng này sẽ còn tiếp diễn. Ông Nguyễn Văn Đợi, Tổng Giám đốc Trung tâm VNMRCC cho rằng: “Mỗi máy bay phải bay hàng trăm kilômét mới ra được địa điểm cần cứu nạn, chi phí xăng dầu rất lớn. Do đó, cần phải có quy định của Nhà nước về xử phạt đối với những đối tượng phát thông tin xin cứu hộ không đúng. Lực lượng nào đã cứu được người rồi mà không thông báo lại cho lực lượng khác biết thì cũng cần truy cứu trách nhiệm”.
Trong khi đó, theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện lực lượng cứu hộ cứu nạn còn mỏng, phương tiện lạc hậu nên chưa thể kiểm soát được hết các vùng biển. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Đại tá Phạm Hoài Giang, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) nhấn mạnh: Thời gian tới, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cần phối hợp chặt chẽ với BĐBP đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới ngư dân ở các địa phương để bà con hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Nhận định về diễn biến thời tiết trong thời gian tới, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, năm 2010, mùa mưa bão sẽ đến muộn hơn khoảng 1-2 tháng so với các năm trước, số lượng các cơn bão tương đương năm 2009. Năm nay, thiên tai sẽ có nhiều diễn biến bất thường, bão sẽ di chuyển phức tạp, vì vậy công tác dự báo rất khó chính xác, kịp thời. Chính thế, công tác tìm kiếm cứu nạn cần phải luôn bám sát diễn biến thiên tai và chủ động kịp thời ứng phó nhanh.

Theo biengioilanhtho.gov.vn