19 tháng 11, 2009

Hành động “Kịp thời – chính xác – nhanh chóng” trong cơn bão số 9

Cơn bão số 9 là cơn bão mạnh đã đổ bộ trực tiếp vào đất liền, gây ra thiệt hại không nhỏ về người và tài sản cho các địa phương nơi cơn bão đi qua. Bão số 9 (còn có tên gọi KETSANA) được hình thành từ áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực phía Đông đảo Luzon (Philippines) với sức gió mạnh cấp 10, cấp 11 giật trên cấp 12. Khi vào Việt Nam, bão số 9 ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Yên và các tỉnh khu vực Tây Nguyên là Gia Lai và Kon tum từ ngày 25/9/2009 đến 30/9/2009.

Mỗi khi có tin bão hay áp thấp ngoài biển Đông thì hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam trở thành chỗ dựa, niềm tin và cả hy vọng của những con người đang phải ngày đêm bám biển mưu sinh.
Công ty Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam là đơn vị quản lý và khai thác hệ thống 32 đài thông tin duyên Hải được bố trí dọc theo bờ biển từ Móng Cái tới Kiên Giang. Trong cơn bão số 9, hệ thống đài Thông tin duyên hải Việt Nam đã đảm bảo đáp ứng mọi nhu cầu về thông tin lạc với các phương tiện hoạt động trên biển, nhất là thông tin về dự báo thời tiết biển, tìm kiếm cứu nạn, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh bão…
Thực hiện triển khai các công điện của Bộ GTVT, Bộ TT&TT và Cục Hàng hải Việt Nam, khi cơn bão số 9 vào biển Đông, Ban lãnh đạo Công ty đã kịp thời chỉ đạo tất cả các đài Thông tin duyên hải Việt Nam tiến hành ngay việc kiểm tra các thiết bị thông tin chính và dự phòng bao gồm cả cơ sở vật chất, nhà xưởng để đảm bảo đáp ứng thông tin thông suốt trong mọi tình huống xảy ra, đặc biệt đối với các đài thông tin duyên hải từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Ban chỉ đạo PCBL ban hành chế độ trực ban thường trực tại trụ sở công ty và các đơn vị thành viên. Yêu cầu các Trung tâm vùng, các đài Thông tin duyên hải tăng cường phối hợp với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương để tổ chức phát sóng kịp thời các bản tin cảnh báo mới nhất về bão số 9 nhằm kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng, tránh trú bão bằng các phương thức thông tin: Navtex, trên các tần số 518 KHz và 4209.5 kHz với tần suất 04 phiên/ngày; phương thức thoại (HF): trên các tần số 7906 kHz, 8294 kHz với tần suất 132 phiên/ngày.
Toàn bộ hệ thống đài Thông tin duyên hải Việt Nam thực hiện nghiêm ngặt chế độ trực canh thông tin cấp cứu - khẩn cấp 24/24 giờ trên các phương thức và tần số quy định, đặc biệt là trên tần số 7903 kHz phục vụ cho các phương tiện tàu cá.
Với phương châm “Tiếp nhận thông tin kịp thời - Xử lý chính xác - Phối hợp nhanh chóng”, trong thời gian diễn biến của cơn bão số 9, hệ thống đài Thông tin duyên hải Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý có hiệu quả đối với 14 trường hợp yêu cầu cấp cứu - khẩn cấp của các phương tiện hoạt động trên biển, góp phần đảm bảo an toàn sinh mạng trên biển và tài sản phương tiện. Diễn biến một số vụ việc như sau:
Lúc 16h46, ngày 27/9/2009, Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng nhận được thông tin trực tiếp trên tần số 7903 kHz từ tàu cá 90082 ĐN, quốc tịch Việt Nam, báo tàu gặp sóng gió cấp 7, cấp 8 (do ảnh hưởng của bão số 9) nên không thể tự chạy về bờ tại vị trí có tọa độ 16-20N; 108-28E. Tàu yêu cầu được trợ giúp kéo về bờ. Hệ thống đài Thông tin duyên hải Việt Nam đã báo cáo ngay thông tin này tới Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Đà Nẵng MRCC) và Ban chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng. Ngay sau đó, hệ thống đã liên tục cập nhật và báo cáo thông tin về tình trạng của tàu bị nạn tới các đơn vị Tìm kiếm cứu nạn . Đến 23h58, ngày 27/9/2009, hệ thống nhận được thông tin trực tiếp từ tàu BP 081101 báo đã kéo tàu cá 90098 ĐN vào cập cầu Hải đội Biên phòng Đà Nẵng an toàn.
Vào hồi 14h52, ngày 28/9/2009, Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng nhận được tín hiệu báo động cấp cứu bằng phương thức DSC kênh 70 VHF từ tàu Thành Minh 27 có MMSI là 574518000, quốc tịch Việt Nam, tính chất tai nạn chưa xác định tại vị trí có tọa độ 15-56N; 108-28E. Hệ thống đã báo cáo ngay thông tin này tới Đà Nẵng MRCC. Lúc 15h15, ngày 28/9, Đà Nẵng MRCC cho biết tàu Thành Minh 27 bị ảnh hưởng của bão số 9, không điều động được, có 2 tàu gỗ của Hải quân đã ra cứu tàu nhưng do sóng lớn, tàu của Hải quân bị hỏng máy nên đã quay lại bờ. Đà Nẵng MRCC đang liên hệ với Biên phòng Quảng Nam và Biên phòng Cù Lao Chàm để tiếp tục xử lý vụ việc. Đến 19h32, ngày 30/09/2009, hệ thống đã liên lạc được với chủ tàu qua điện thoại và được biết tàu Thành Minh 27 đã bị chìm vào khoảng 20h00, ngày 28/9, trên tàu có 08 thuyền viên, 02 người đã vào đảo Cù Lao Chàm, 06 người còn lại đang mất tích.
Vào lúc 18h38, ngày 29/9/2009, Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng nhận được thông tin chỉ đạo xử lý từ Đà Nẵng MRCC về sự kiện sà lan Rapid 3313, quốc tịch Singapore, bị đứt dây kéo nối với tàu kéo TOPNICHES tại vị trí có tọa độ 11-22.539N; 109-42.634E lúc 11h00, ngày 29/9/2009, hiện sà lan đang trôi dạt tự do trên biển. Chủ tàu yêu cầu trợ giúp tìm kiếm sà lan và thông báo cho các phương tiện phòng tránh. Ngay sau đó, hệ thống đài Thông tin duyên hải Việt Nam đã tiến hành phát cảnh báo an toàn hàng hải thông báo cho các phương tiện hoạt động trong khu vực lân cận tăng cường quan sát phát hiện và tránh đâm va với sà lan đang trôi dạt. Đến 18h35, ngày 01/10/2009, hệ thống nhận được thông tin từ chủ tàu báo đã tìm thấy sà lan này.
Vào lúc 13h40, ngày 30/9/2009, Đài Thông tin duyên hải Nha Trang nhận được thông tin trực tiếp trên tần số 7903 kHz từ tàu cá PY 92143 TS, quốc tịch Việt Nam, báo tàu bị hỏng máy không khắc phục được lúc 01h00, ngày 30/9/2009 tại vị trí có tọa độ 12-00N; 112-00E, hiện tàu đang thả trôi theo hướng Đông Bắc với tốc độ 3 hải lý/giờ, trên tàu có 12 người, thời tiết tại khu vực sóng to, gió lớn cấp 6, cấp 7. Tàu yêu cầu được trợ giúp kéo về bờ. Hệ thống đã báo cáo ngay thông tin này tới Đà Nẵng MRCC và các đơn vị Tìm kiếm cứu nạn khác là Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa và Ban chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên. Ngay sau đó, hệ thống đài Thông tin duyên hải Việt Nam đã tiến hành phát quảng bá điện cấp cứu – khẩn cấp yêu cầu các phương tiện hoạt động trong khu vực lân cận tăng cường quan sát trợ giúp cho tàu bị nạn. Đến 09h00, ngày 01/10/2009, hệ thống vẫn tiếp tục phát quảng bá điện cấp cứu – khẩn cấp và theo dõi, xử lý thông tin về sự kiện này.
Vào lúc 19h18, ngày 30/9/2009, Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng nhận được thông tin chỉ đạo xử lý từ Việt Nam MRCC về sự kiện tàu cá QNg 66380, quốc tịch Việt Nam, bị mất liên lạc với gia đình và chủ tàu từ lúc 16h00, ngày 28/9/2009 tại khu vực cách đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi khoảng 80 hải lý, khi đang trên đường chạy về bờ tránh bão số 9, trên tàu có 14 người. Ngay sau đó, hệ thống đã tiến hành phát quảng bá điện cấp cứu – khẩn cấp yêu cầu các phương tiện hoạt động trong khu vực lân cận tăng cường quan sát phát hiện và tìm kiếm tàu bị nạn. Cho đến 09h55, ngày 01/10/2009, hệ thống nhận được tin Trực ban BHC PCLB và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quãng Ngãi báo tàu cá QNg 66380 và 14 thuyền viên đã về đến đảo Lý Sơn an toàn lúc 03h00, ngày 01/10/2009. Hệ thống đã báo cáo kết thúc xử lý thông tin về sự kiện này đến Đà Nẵng MRCC.
Có thể khẳng định rằng, hệ thống đài Thông tin duyên hải Việt Nam đã và đang giữ một vai trò quan trọng đối với tất cả các hoạt động trên biển và là cầu nối chính giữa con người, phương tiện hoạt động trên biển với đất liền. Mọi hoạt động của hệ thống đài Thông tin duyên hải Việt Nam đều được vận hành theo các tiêu chuẩn của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng trên biển SOLAS. Do đó, hệ thống đài quốc gia này luôn xứng danh là chỗ dựa tin cậy của người và phương tiện trên biển biển, đặc biệt là những khi có gió bão hay áp thấp nhiệt đới trên biển.

Theo Tạp chí Hàng hải